Ông Võ Văn Thạnh (huyện Cai Lậy - Tiền Giang) hỏi: Tôi tranh chấp với ông Lê Văn Chắt 1.200m2 đất ruộng. Tháng 7-2015, Tòa án huyện xét xử vụ án và tôi thắng kiện.
Tòa buộc ông Chắt phải giao trả cho tôi toàn bộ
diện tích 1.200m2 đất này. Ông Chắt kháng cáo. Trong quá trình chờ Tòa án phúc
thẩm xét xử thì ông Chắt kêu người đo đạc để chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ)
cho con gái là bà Hồng. Trường hợp này, tôi có thể yêu cầu Tòa án ngăn chặn
không, thủ tục ra sao?
Thắc mắc của ông Thạnh được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến -
Đoàn Luật sư Bến Tre tư vấn như sau:
Trong trường hợp này có 2 cách giải quyết sau:
Cách 1: Theo Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định về
điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại,
thừa kế, tặng cho, thế chấp QSDĐ; góp vốn bằng QSDĐ:
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi,
chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp QSDĐ; góp vốn
bằng QSDĐ khi có các điều kiện sau đây:
a. Có giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản
3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1 Điều 168 của Luật
này;
b. Đất không có
tranh chấp;
c. QSDĐ không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d. Trong thời hạn sử dụng đất.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại,
thừa kế, tặng cho, thế chấp QSDĐ, góp vốn bằng QSDĐ phải đăng ký tại cơ quan
đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Như vậy, đất không có tranh chấp là một trong những điều
kiện bắt buộc để được chuyển nhượng QSDĐ và việc chuyển nhượng phải đăng ký tại
cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa
chính.
Căn cứ điều luật này, ông Thạnh cần gửi đơn cho Văn phòng
Đăng ký QSDĐ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (nơi có đất), yêu cầu cơ
quan này không sang tên thửa đất này cho bất kỳ ai cho đến khi vụ việc được Tòa
án giải quyết xong.
Kèm theo đơn đề nghị là các văn bản, tài liệu chứng minh
đất có tranh chấp như: Bản sao giấy chứng nhận QSDĐ; Bản án dân sự sơ thẩm;
Thông báo về việc kháng cáo của Tòa án cấp sơ thẩm; Thông báo thụ lý đơn kháng
cáo của Tòa án cấp phúc thẩm.
Cách 2: Ông Thạnh có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án đang giải
quyết vụ án (Tòa án cấp phúc thẩm) áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo
quy định tại Khoản 7 Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Cấm chuyển dịch
quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” để tạm thời giải quyết yêu cầu
cấp bách của ông.
Trong đơn yêu cầu, ông Thạnh phải nêu rõ lý do cần thiết
phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ
chứng minh ông Chắt có hành vi chuyển dịch tài sản là QSDĐ cho bà Hồng (con gái
ông Chắt) để Tòa án xem xét, giải quyết.