Yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản

04/09/2022 - 17:56

Bà Nguyễn Thị Hải có nhu cầu tư vấn: Tôi là nguyên đơn trong vụ tranh chấp về nợ tiền hụi với hơn 20 hụi viên do bà A làm chủ (bị đơn), xảy ra bể hụi tháng 10-2020. Tháng 12-2020, hòa giải ở xã không thành và hồ sơ được chuyển đến tòa án huyện giải quyết. Trước khi hòa giải (trước khi bể hụi), bà A đã làm thủ tục chuyển nhượng đất và tài sản có giá trị cho người thân làm chủ. Hiện bà cũng làm thủ tục để chuyển nhượng nhà cho người em họ. Xin hỏi: Tôi muốn ngăn chặn việc bà A tẩu tán tài sản thì phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT): Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của bộ luật này có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại Điều 114 của bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Luật quy định, trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 114 của bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho tòa án đó.

Theo điều luật quy định thì người có quyền yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT bao gồm: đương sự; người đại diện hợp pháp của đương sự; cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của bộ luật này.

Theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 24-9-2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định về các BPKCTT của Bộ luật TTDS, có 3 trường hợp được yêu cầu áp dụng BPKCTT khi nộp đơn kiện: do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ; cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được; ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (hậu quả về vật chất hoặc về tinh thần).

Trường hợp của bà Hải, nếu đúng như bà trình bày thì bà có thể yêu cầu tòa án (nơi đang thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp về nợ tiền hụi) ra quyết định áp dụng BPKCTT phong tỏa tài sản của bà A để chờ tòa án giải quyết.

Thủ tục như sau:

Gửi đơn yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT. Mẫu đơn phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án về thủ tục áp dụng BPKCTT theo Điều 133 Bộ luật TTDS. Đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT phải có các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm làm đơn; b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng BPKCTT; c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT; d) Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đ) Lý do cần phải áp dụng BPKCTT; e) BPKCTT cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

Kèm theo đơn yêu cầu, bà phải nộp kèm chứng cứ bà A đang có hành vi tẩu tán tài sản và trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời bà phải chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT đó (ví dụ các hợp đồng chuyển nhượng tài sản…).

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN