Xây dựng trường học không rác nhựa, bài 1:

Ý thức và trách nhiệm với môi trường

25/05/2020 - 07:08

BDK - Trường học là điểm xuất phát đầu tiên để xây dựng một môi trường xanh, sạch, cũng là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về cách xử lý, phân loại rác đúng cách. Giáo dục nên một thế hệ trẻ có ý thức và trách nhiệm với môi trường là yếu tố cơ bản để xây dựng một Bến Tre xanh, sạch, thân thiện, đáng sống.

Học sinh Trường phổ thông Hermann Gmeiner (TP. Bến Tre) phân loại rác thải.

Thu gom rác nhựa

Ly nhựa, hộp xốp, chai nhựa, ống hút nhựa quá rẻ và lại tiện lợi cho người sử dụng, nhất là với lứa tuổi học sinh. Thói quen sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần ở lứa tuổi học sinh còn rất phổ biến. Sau giờ ra chơi của Trường THCS Hoàng Lam (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre), tôi theo chân cô Bích Thủy - Tổng phụ trách Đội và hai em học sinh xuống sân trường để xem “Ngôi nhà rác thải nhựa”. Mô hình được lắp đặt đã 2 năm học, thực hiện sát sao việc phân loại rác tại trường. Từ đó, hàng tuần cô trò thu gom các loại đồ nhựa sử dụng một lần như chai nhựa, ly nhựa, các loại hộp xốp để làm chương trình kế hoạch nhỏ cho các hoạt động của Liên đội trường. “Từ nguồn chai nhựa này mà nguồn quỹ kế hoạch nhỏ của Liên đội thu về cũng đáng kể, làm được thêm các chương trình khác. Nhưng thấy vậy thì cô trò chúng tôi lại nghĩ, nếu số lượng chai nhựa, ly nhựa này bị thải ra môi trường không có kiểm soát thì sẽ tác hại tới đâu nữa. Rác nhựa trong trường, nếu mình thu ít, thậm chí không thu được thì sẽ tốt hơn”, cô Bích Thủy nói.

Thực hiện mô hình “Sân trường không rác”, ngoài việc bố trí ngôi nhà rác thải nhựa để học sinh phân loại rác tại trường, tại Liên đội Trường THCS Hoàng Lam còn bố trí nhiều thùng rác nhỏ trước hành lang mỗi lớp học và trên sân trường. Mỗi lớp học được trang bị một túi đựng, để ở cuối lớp, hàng tuần sẽ tiến hành thu gom chai nhựa. Hàng tuần, mỗi lớp có thể thu gom được từ vài chục đến vài trăm chai nhựa, ly nhựa. Theo báo cáo kết quả thực hiện công trình măng non của Liên đội, cuối năm học 2018-2019, tổng chương trình kế hoạch nhỏ đã thu gom được từ mô hình đến 650kg giấy vụn, 200kg vỏ chai nhựa, 40kg vỏ lon nước ngọt.

Không thể phủ nhận tính tiện lợi của các loại đồ nhựa dùng một lần, với giá thành rẻ, tiện dụng như vậy. Từ lâu, việc sử dụng các loại vật liệu nhựa một lần đã trở thành thói quen của cộng đồng. Em Đặng Quốc Khánh học sinh lớp 8/4 Trường THCS Hoàng Lam chia sẻ: “Em thấy các bạn sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần rất phổ biến. Cứ sau giờ tan học hoặc chuẩn bị vào giờ học trái buổi, nhều bạn lại tụ tập trước cổng trường mua những chai nước, ly nước để uống, có thể mua đồ ăn vặt vào ngồi ăn tại ghế đá trong sân trường. Chưa kể đến việc khi đi chơi, hoặc tham gia các hoạt động ngoài trường việc sử dụng ly nhựa, chai nhựa càng phổ biến hơn nữa”.

Hiện nay với sự cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, thế giới đang đẩy mạnh hơn nhiều hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa, tìm giải pháp, vật liệu thay thế để hạn chế sự phụ thuộc vào vật liệu nhựa. Rất nhiều sáng kiến, sản phẩm thân thiện môi trường đã được đưa vào thị trường như: ống hút giấy, ống hút cỏ, gạo, các loại chén, dĩa giấy, thủy tinh, inox... “Em thấy tuy có nhiều vật liệu thay thế nhưng giá thành còn khá cao nên người sử dụng còn hạn chế”, em Võ Thị Mộng Thương, học sinh lớp 8/1, Trường THCS Hoàng Lam nói.

Công trình bức tranh nắp chai tại Trường THCS Hoàng Lam (TP. Bến Tre).

Thay đổi hành vi

Theo định hướng của Hội đồng Đội tỉnh, “bảo vệ môi trường” là thành tố đầu tiên được đưa vào chủ đề của Hội thi tuyên truyền măng non năm 2020. Qua đó cho thấy, nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đội trong phối hợp với ngành giáo dục là giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Các mô hình đã được phát động, triển khai đến từng liên đội như: “Ngôi nhà rác thải nhựa”, “Giờ chơi trải nghiệm sáng tạo”, Đội Hiệp sĩ xanh bảo vệ môi trường đã góp phần tác động đến nhận thức và thay đổi hành vi của mỗi học sinh.

Hiểu được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, em Quốc Khánh và nhóm bạn của mình đã chủ động mang theo bình đựng nước từ nhà để không phải mua nước đóng chai hay uống nước đựng trong các ly nhựa bán trước cổng trường. “Em sẽ chọn ăn sáng tại quán ăn, như vậy sẽ không phải mang hộp xốp đi, không cần dùng đồ nhựa để đựng. Nếu đi uống nước giải khát, có thể đựng bằng bình nước của mình, uống trực tiếp thay vì dùng ống hút nhựa”, Quốc Khánh cho biết.

Bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phân loại rác, bố trí thùng rác, Liên đội Trường THCS Hoàng Lam triển khai hoạt động của đội “Ống kính xanh”, để học sinh cùng góp phần tác động, nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh trường học. Theo cô Bích Thủy, đội Ống kính xanh sẽ cùng với Ban Chỉ huy Liên đội thường xuyên kiểm tra và ghi nhận vấn đề giữ gìn vệ sinh trường lớp vào cuối buổi học hoặc chuyển tiết, giờ ra chơi, nhắc nhở các bạn không đem bánh, nước vào phòng học, cần bỏ rác đúng nơi quy định.

Trong trường học là vậy, còn ngoài trường học, vẫn còn nhiều hình ảnh các em trong lứa tuổi học sinh sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần và chưa bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ. Hiện nay, về phía ngành chức năng, không thể ngay lập tức triệt để không cho sử dụng các vật liệu nhựa dùng một lần nhưng có thể khuyến khích hạn chế sử dụng. Còn nếu trong trường hợp không thay thế được thì cần thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, để rác đúng nơi quy định để đơn vị thu gom rác có thể thu hồi và xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, cần có giải pháp tái chế các vật liệu nhựa một cách hữu ích hơn.

“Vấn đề rác thải nhựa trong trường học hiện đang được xử lý cơ bản tốt. Tuy nhiên, nguồn gốc phát sinh rác nhựa từ các cửa hàng buôn bán, căn tin vẫn còn nhiều. Thầy cô giáo, nhiều học sinh chưa quen việc sử dụng các bình chứa nước cách nhiệt, bình thủy tinh nên rác thải nhựa vẫn còn xuất hiện ở trường học. Một số liên đội chưa thực sự sáng tạo trong sử dụng rác thải nhựa để tái chế, phục vụ cho giờ chơi trải nghiệm sáng tạo của các em”.

(Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Lâm Như Quỳnh)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN