Từ ngày 18 đến 28-10-2018, đoàn công tác của tỉnh do Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi làm trưởng đoàn, cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, lãnh đạo các sở, ban, ngành và một số doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã có chuyến làm việc tại Nhật Bản. Tham gia cùng đoàn làm việc tại Nhật Bản còn có ông Nagato Natsume - Lãnh sự danh dự Việt Nam tại tỉnh Aichi, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Trân, TP. Hồ Chí Minh.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi (thứ 2, trái sang) trao biểu trưng của tỉnh cho Thống đốc Ngân hàng vùng Kansai. Ảnh: Châu Bình
Nhiều hoạt động kết nối
Đoàn đến gặp gỡ và làm việc với các lãnh đạo chính quyền, tổ chức của Nhật Bản: thăm và làm việc với ông Omura Hideaki - Tỉnh trưởng tỉnh Aichi; gặp gỡ ông Uchida - Thị trưởng TP. Okazaki; ông Kawamura Takashi - Thị trưởng TP. Nagoya, tỉnh Aichi; ông Kazuo Kanazawa - Phó thống đốc tỉnh Hyogo; làm việc với Phòng Thương mại công nghiệp TP. Nagoya; Ngân hàng tín dụng Okazaki; Liên minh kinh tế miền Trung; Ngân hàng vùng Kansai. Tổ chức 2 buổi xúc tiến đầu tư tại TP. Okazaki và TP. Nagoya.
Trong các buổi gặp gỡ và làm việc, lãnh đạo tỉnh đã giới thiệu khái quát và tóm tắt về đặc điểm địa lý, các thế mạnh, tiềm năng kinh tế của tỉnh. Với vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh khoảng 85km, có tiềm năng phát triển các ngành nghề thủy sản, năng lượng sạch, du lịch và cây ăn trái, Bến Tre có nguồn lao động dồi dào, có thể đào tạo tay nghề kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu lao động cho các DN, công ty tại Nhật Bản.
Ngoài ra, đoàn còn tham quan một số mô hình sản xuất tiêu biểu: sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ở bán đảo Chita; mô hình trồng cà bi của nông trại Inochio; tham quan nhà máy xử lý rác thải; trung tâm năng lượng và Hợp tác xã (HTX) Hoa cúc TP. Toyohashi.
Qua chuyến công tác, tỉnh mong muốn quảng bá tiềm năng, thế mạnh, mời gọi các công ty, DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh. Tạo mối quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh sang thị trường Nhật Bản. Đẩy mạnh hợp tác xuất khẩu lao động nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Đoàn Bến Tre tham quan HTX Hoa cúc. Ảnh: M. Nhựt
Mô hình HTX trồng hoa cúc
HTX Hoa cúc có hình thức hoạt động giống như một công ty, được thành lập năm 2012. Cơ sở sản xuất hoa cúc của HTX được đầu tư các dây chuyền, máy móc và trang thiết bị hiện đại. Hoa cúc sau khi qua các khâu xử lý và được đóng thùng xuất bán sản phẩm với giá trị cao, không phục vụ tại các siêu thị, vì đây là hàng cao cấp. Thu nhập bình quân mỗi tháng của HTX khoảng 10 triệu USD. Đặc biệt, HTX có hình thức hoạt động giống như công ty, người nông dân có thể gửi tiền làm cổ đông của HTX và được chia lợi tức.
Đoàn cũng đã đến thăm một hộ gia đình trồng hoa cúc là thành viên của HTX. Theo chia sẻ, các hộ này có nhà kính trồng hoa cúc với diện tích khoảng 1ha, kinh phí đầu tư khoảng 1,3 triệu USD và cần 7 lao động làm việc. Một năm thu hoạch được 3 vụ hoa, giá bán mỗi cành hoa cúc khoảng 65 yen Nhật (khoảng 13 ngàn đồng). Bình quân thu nhập khoảng 500 ngàn USD/ha nhà kính.
Nông dân trong HTX thường có diện tích đất canh tác nhỏ, manh mún, không tập trung, nhưng có sự liên kết chặt chẽ. Khi tham gia HTX họ có thể chia sẻ, dùng chung hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại và đắt tiền thông qua HTX, nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư. Sản phẩm của các xã viên đều sản xuất đúng theo quy trình do HTX đề ra, từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật đúng chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đến thu hoạch, đưa sản phẩm nguyên liệu sạch về nhà máy. Được biết, hoa cúc là biểu tượng đặc trưng của Nhật Bản, sản lượng tiêu thụ rất lớn, trong đó người sử dụng đến 70% hoa cúc trắng, 20% hoa cúc vàng, còn lại 10% các loại hoa cúc khác.
Minh Nhựt