Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tư vấn tuyển dụng lao động của tỉnh tham gia XKLĐ trong hai năm 2016 - 2017.
Đến dự có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước, đại diện một số ngành, đoàn thể, đại diện cấp huyện, cấp xã, doanh nghiệp XKLĐ và người lao động (NLĐ) đã hoàn thành hợp đồng XKLĐ.
Trong hai năm 2016-2017, số lao động của tỉnh tham gia XKLĐ trúng tuyển là 1.436 người, đạt tỷ lệ 130% so với kế hoạch. Thị trường Nhật Bản chiếm đa số chọn lựa của người lao động. Hình thức tham gia của NLĐ chủ yếu thông qua các doanh nghiệp và NLĐ tự liên hệ với các công ty XKLĐ. Nguồn lực tài chính mà NLĐ tham gia XKLĐ gởi về nước trong hai năm khoảng trên 200 tỷ đồng, bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, rất nhiều NLĐ muốn tham gia XKLĐ nhưng với chi phí hơn 100 triệu đồng, NLĐ phải đóng đủ và đóng gấp trong thời gian ngắn, trong khi ở nông thôn nhiều gia đình đã thế chấp sổ đỏ, tài sản vào hoạt động động sản xuất của gia đình, không còn tài sản để thế chấp cho con em tham gia XKLĐ. Hiện nay, NLĐ khó tiếp cận nguồn vốn vay chính sách hỗ trợ vì thủ tục nhiêu khê, nguồn vốn không đủ đáp ứng nhu cầu của NLĐ.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tư vấn tuyển dụng lao động của tỉnh tham gia XKLĐ trong hai năm 2016 - 2017.
Theo ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, để có đủ nguồn vốn phục vụ nhu cầu NLĐ tham gia XKLĐ, ngoài những chính sách theo quy định của Nhà nước, cần lấp đầy nguồn vốn hỗ trợ bằng cơ chế phù hợp với điều kiện của tỉnh như vốn của doanh nghiệp XKLĐ, nguồn quỹ tài chính của một số đơn vị hội, đoàn thể cho NLĐ vay.
Bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự tìm hiểu cơ hội học nghề, xuất khẩu lao động. Ảnh: Thạch Thảo
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: XKLĐ góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, phát triển kinh tế tại địa phương… Khó khăn nhất nổi lên là về vốn. Để giải quyết vấn đề này, phía người tư vấn và NLĐ cần ưu tiên đầu tư vay vốn cho XKLĐ thay vì làm kinh tế, vì chỉ cần đầu tư 100 triệu đồng cho 3 năm có thể thu lại từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (mức bình quân của một NLĐ tham gia XKLĐ tại Nhật Bản), hiệu quả khá cao và ít rủi ro. “Thường trực Tỉnh ủy ủng hộ thêm nguồn vốn phân bổ về Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh phục vụ cho NLĐ tham gia XKLĐ; đồng thời, ngân sách địa phương cũng phân bổ thêm vốn ngân sách để góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho XKLĐ hiện nay” - Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tư vấn tuyển dụng lao động của tỉnh tham gia XKLĐ trong hai năm 2016-2017, đồng thời tặng bằng khen cho 4 xã thực hiện vượt chỉ tiêu XKLĐ.
* Trước đó, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỏ Cày Nam về đẩy mạnh công tác XKLĐ tại huyện. Được biết, 3 huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách có số lao động tham gia XKLĐ thấp nhất tỉnh, khoảng 60 - 70 lao động/năm.
* Ngày 25-1-2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tư vấn việc làm. XKLĐ cho 1.400 lao động là bộ đội xuất ngũ năm 2018. Sở chia thành nhiều đoàn, tổ chức tư vấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố khi bộ đội xuất ngũ về tới địa phương. Dịp này, Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (Sài Gòn Inserco) tài trợ 1.000 phần quà tặng và hỗ trợ cho 9 đơn vị huyện, thành phố 1 triệu đồng/đơn vị cho công tác tổ chức tư vấn.
Tin, ảnh: T.Thảo
Tin, ảnh: T.Thảo