Xuất khẩu lao động: “Chìa khóa” thoát nghèo hiệu quả

05/12/2018 - 06:57

BDK - Có cách nào nhanh nhất, hiệu quả nhất để thoát nghèo? Có lẽ câu trả lời đó là xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đây là cơ hội để người lao động làm việc có thu nhập cao, tích lũy được vốn giúp gia đình thoát nghèo, tạo lập sự nghiệp cho tương lai.

Xuất khẩu lao động được nhiều bạn trẻ quan tâm tìm hiểu tại các phiên giao dịch việc làm.

Vượt qua rào cản “sợ mất con”

XKLĐ hay gọi đúng hơn là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang mở ra cho người trẻ ở khắp cả nước nói chung, tỉnh nói riêng cơ hội việc làm có thu nhập cao, đồng thời học hỏi được nhiều kỹ năng, phong cách làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng, số hộ nghèo, cận nghèo có con đi lao động nước ngoài theo hợp đồng hiện rất ít, một trong những lý do nổi bật nhất là hộ nghèo thường sợ “mất con”.

Là hộ nghèo 4 năm liền ở xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú nhưng anh Trần Văn Thắng quyết không cho con đi XKLĐ, vợ chồng anh không cho con đi xa vì “sợ mất con không biết đường tìm”. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều hộ nghèo hiện nay. Để cho con đi XKLĐ ở Nhật, vợ chồng chị Thái Thị Phụng, ngụ xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều. Là hộ nghèo nhiều năm, chồng thì làm lơ xe kiêm bốc vác hàng hóa, bị tai nạn giao thông đến 4 lần, vợ thì đội đá thuê cho các công trình xây dựng, vợ chồng chị Phụng cật lực lao động suốt hai mươi mấy năm mà vẫn không có dư. Chị Phụng chia sẻ, vì chị sống trong cảnh nghèo nên muốn con mình phải có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, cái nghèo đeo bám, chị Phụng không cách chi nuôi con ăn học đến đại học.

“Phải cho thằng nhỏ đi làm không thôi cũng có ngày bạn bè xấu nó lôi kéo”, suy nghĩ của người mẹ thôi thúc chị Phụng tìm hướng đi cho con. Chị bắt đầu so sánh: “Làm việc ở quê nhà thì cũng làm công nhân, lương tháng 5 - 7 triệu đồng chỉ đủ sống, sau 3 năm không dư giả là bao, còn đi XKLĐ, sau 3 năm ít gì cũng có dư được vài trăm triệu đồng”. Chị quyết định đến UBND xã để hỏi thông tin về XKLĐ, sau đó động viên con trai đi Nhật làm việc. Sau khi cân nhắc kỹ, vợ chồng chị Phụng quyết tâm cho con trai duy nhất Phan Lê Trung đi XKLĐ. Trung học 15 tháng tại Việt Nam, gia đình quá thiếu thốn, chị Phụng phải bán luôn xe gửi tiền ăn cho con trong thời gian học trước khi bay.

“Nó bay rồi, tôi khóc suốt cả tháng, đêm nằm ngủ tôi ôm cái mền nó vẫn thường đắp mà nhớ con đứt ruột. Tôi cứ nghĩ, sống ở đâu cũng vậy, cũng phải làm lắm mới khá nên bấm bụng cho con đi xa”, chị Phụng kể. Cho chúng tôi xem hình con trai 22 tuổi đang lao động tại Nhật Bản, vợ chồng chị Phụng phấn khởi, yên tâm vì con mình làm việc trong môi trường có lương cao, chủ người Nhật rất quan tâm chăm sóc người lao động, công việc xây dựng ngoài trời cũng không mấy vất vả và đồ bảo hộ lao động được trang bị rất tốt.

“Chìa khóa” thoát nghèo

Hiện tỉnh chưa có thống kê cụ thể tỷ lệ thoát nghèo của lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia XKLĐ. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Giồng Trôm, nơi có nhiều lao động tham gia XKLĐ nhất tỉnh, bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, trong 3 năm từ 2016 đến 2018, Giồng Trôm có 520 người đi XKLĐ, chỉ có 30 lao động là diện gia đình là hộ nghèo, 3 lao động diện cận nghèo. Các hộ nghèo, cận nghèo có con đi XKLĐ thì đến nay đã thoát nghèo, thoát cận nghèo hết. Thông thường, sau khi bay được 3 tháng, các em bắt đầu gửi tiền về, ít nhất cũng được 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Trong cuộc giám sát Đề án sinh kế của HĐND tỉnh và khảo sát kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018 ở một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Ba Tri hầu hết đều có chung đáp số “hộ bình thường có con tham gia XKLĐ (chủ yếu ở Nhật) đều vươn lên hộ khá, hộ nghèo thì thoát nghèo”.

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạnh Phú, phương án thoát nghèo hiệu quả nhất được huyện xác định là XKLĐ. Cán bộ huyện đi đâu cũng tuyên truyền phương án này nhưng người dân chưa thiết tha lắm. Trong khi đó, Giồng Trôm là địa bàn có sức lan tỏa lớn trong XKLĐ bởi có khi cả xóm đều có con đi, họ truyền tai nhau rất hiệu quả.

Trong chuyến khảo sát hôm 16-11-2018 tại xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách, ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Tôi vừa tham gia chuyến đi 10 ngày đến Nhật Bản với đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh, ở Nhật họ đang rất cần lao động Việt Nam, tôi có cảm giác là cũng muốn con tôi được tham gia XKLĐ ở Nhật Bản, bởi các em được làm việc trong một môi trường rất chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, nền nếp, đạo đức, ý thức kỷ luật rất tốt. Kỷ luật ở Nhật Bản như là môi trường quân đội, không đi trễ dù chỉ 1 phút, ăn nói rất đàng hoàng, lương cơ bản 30 - 40 triệu đồng/tháng”.

Có thể khẳng định, mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh là XKLĐ, theo Sở LĐ-TB&XH, lao động đi làm việc ở Nhật về Việt Nam vừa có số vốn lớn nhờ tích lũy vừa dễ xin việc làm trong các công ty Nhật, điều quan trọng là phải chọn được những công ty uy tín. Năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã thông báo 11 doanh nghiệp có liên kết với tỉnh trong đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, trong đó hai doanh nghiệp được người lao động lựa chọn nhiều nhất do có những chính sách tốt cho người lao động là Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế (Saigon Inserco) và Công ty TNHH Nhân lực Mirai.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN