Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại hội trường chiều ngày 22-5-2024. Ảnh: Kim Hoa
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia góp ý về 3 vấn đề. Thứ nhất, về quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông (quy định tại khoản 1, Điều 5 của dự thảo Luật), đại biểu cho rằng chưa thật sự hợp lý. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật bỏ quy định trên, khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề nghị thực hiện đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Thứ hai, về quy định điểm của giấy phép lái xe (GPLX) tại Điều 58 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng đây là quy định mới trong dự thảo luật lần này, nhằm để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người lái xe và hiện nay một số nước cũng đang quy định theo hướng này.
Hiện nay, khi bị tước GPLX có thời hạn, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến đời sống hàng ngày của người dân như hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. Việc trừ điểm GPLX, tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước GPLX như hiện nay mang tính nhân văn. Khi GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, việc làm, đời sống của người dân. Vì vậy, đại biểu thống nhất với quy định này vì nó vừa mang tính nhân văn, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý.
Tuy nhiên tại Khoản 3, Điều 58 có quy định: trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Theo đại biểu, việc này nên giao cho Bộ Giao thông vận tải vì theo khoản 8, Điều 60; khoản 7, Điều 61 của dự thảo Luật thì Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp GPLX. Nên việc kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ cũng nên giao cho Bộ Giao thông vận tải quy định.
Thứ ba, về hiệu lực thi hành của dự thảo Luật, tại Điều 88 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trừ khoản 3, Điều 10 của Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2026. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát lại nội dung này để quy định cho chính xác.
Tin, ảnh: Kim Hoa