Xử phạt triệt để các hành vi khai thác IUU, nỗ lực đến tháng 10-2023 gỡ cảnh báo "Thẻ vàng"

09/07/2023 - 07:25

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 269/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Bộ đội Biên phòng Cà Mau lập biên bản về hành vi tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) ở vùng biển Cà Mau. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, liên quan đến việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU, chuẩn bị kỹ kế hoạch, nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, phấn đấu mục tiêu đến tháng 10-2023 gỡ cảnh báo "Thẻ vàng".

Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Ngoại giao và các địa phương liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/QĐ-TTg về "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định".

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương liên quan đề ra giải pháp hiệu quả ngăn chặn, không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Chú trọng phát triển các mô hình chuyển đổi nghề hiệu quả.


Lực lượng kiểm ngư kiểm tra trang bị giám sát hành trình trên các tàu cá đang đánh bắt trên biển. Ảnh: TTXVN phát

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn liên quan. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng ngăn chặn, xử lý không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm công tác quản lý tàu cá; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá địa phương và tàu cá của tỉnh khác hoạt động tại địa phương; tập trung cao điểm thực thi pháp luật, xử phạt triệt để các hành vi khai thác IUU. Tuân thủ công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Điều động, luân chuyển, biệt phái đảm bảo bố trí đủ nhân lực, kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý tàu cá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU.

Về hoàn thiện phần mềm trong công tác chống khai thác IUU, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau trong tháng 8/2023 để hỗ trợ hoàn thiện phần mềm, đồng thời nghiên cứu để nhân rộng áp dụng tại các địa phương.

Kiểm soát tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm từ cấp xã

Về phân giới cắm mốc, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực biên giới về các quy định liên quan đến đường biên mốc giới tại các văn kiện pháp lý song phương và pháp luật Việt Nam để nâng cao ý thức tuân thủ, thực thi pháp luật của người dân, tránh vi phạm quy chế biên giới.

Về công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các Kế hoạch phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ủy ban Quốc gia. Kiểm soát tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm từ cấp xã, chủ động nhận diện tội phạm, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hình sự nổi lên, nhất là "tội phạm đường phố", tội phạm "tín dụng đen", tội phạm cướp ngân hàng, tiệm vàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Thực hiện tốt Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ quản lý nghiệp vụ, phòng, chống tội phạm; chuyển đổi trạng thái các mặt công tác từ "truyền thống" sang "hiện đại" vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng; theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các nhóm nguy cơ cao, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân; phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến ở cơ sở.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, kết hợp tư vấn, xét nghiệm HIV để kịp thời phát hiện, điều trị sớm những trường hợp dương tính với HIV và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống buôn lậu và ma túy qua biên giới

Về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Bên cạnh đó, quan tâm phát triển kinh tế khu vực biên giới để người dân ổn định cuộc sống, không tham gia tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống buôn lậu và ma túy qua biên giới, nhất là tình trạng phân bón giả và buôn lậu xăng dầu trên biển.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổng hợp kiến nghị của các địa phương; đôn đốc, kiểm tra, phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy hiện có tại các địa phương

Ngoài ra, về nâng cấp và xây mới các cơ sở cai nghiện ma túy Đồng bằng sông Cửu Long, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, bố trí quỹ đất xây dựng khu vực nông nghiệp công nghệ cao để học viên cai nghiện ma túy lao động trị liệu và học nghề phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất để tiếp nhận học viên cai nghiện ma túy bắt buộc và cai nghiện ma tuý tự nguyện trên địa bàn.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan cân đối nguồn vốn để bố trí xây mới, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy hiện có tại các địa phương, đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn vốn cho thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy hiện có của thành phố Cần Thơ đặt tại tỉnh Hậu Giang để thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy bắt buộc cho người nghiện ma túy tại 2 địa phương; cân đối nguồn vốn đầu tư để bố trí cho thành phố Cần Thơ xây mới cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn. Sau khi cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố Cần Thơ hoàn thành, tiến hành bàn giao cơ sở cai nghiện cũ cho tỉnh Hậu Giang theo quy định pháp luật về tài sản công.

UBND thành phố Cần Thơ và UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương bố trí quỹ đất, lập dự án đầu tư, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2023.

Về hỗ trợ y tế cho các cơ sở cai nghiện ma tuý, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương có giải pháp điều động có thời hạn bác sỹ từ các cơ sở y tế thuộc ngành Y tế sang hỗ trợ tại các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để bảo đảm các cơ sở cai nghiện ma túy có nhân sự bác sĩ đáp ứng quy định của pháp luật; tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sĩ đang công tác tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn; đội ngũ y sỹ hiện có được học liên thông lên bác sĩ. Điều động, bố trí xe cứu thương hỗ trợ cho các cơ sở cai nghiện ma túy công lập…

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN