Công an huyện Mỏ Cày Nam làm việc với đối tượng không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ. Ảnh: Huỳnh Tiến
Đủ kiểu vi phạm
Tại tỉnh, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp xúc phạm, chống đối lực lượng phòng chống dịch, khiến người dân vô cùng bức xúc. Điển hình như ngày 9-8-2021, Tổ tuần tra, kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm phát hiện bà Nguyễn Thị Hoàng Trinh (sinh năm 1980, tạm trú tại địa phương) không có giấy phép lái xe, ra đường không có lý do chính đáng trong thời gian tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, bà Trinh đã có thái độ không hợp tác, liên tục chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ. Không dừng lại ở đó, đối tượng còn xô ngã xe và ném mũ bảo hiểm vào tổ công tác. Ngày 19-8-2021, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Giồng Trôm đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Hoàng Trinh để điều tra về tội “chống người thi hành công vụ” được quy định tại điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngày 21-8-2021, ông Phạm Thanh Sang, ngụ xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam), khi đi qua một chốt kiểm soát trên địa bàn xã nhưng không xuất trình giấy tờ, khi bị lực lượng trực chốt ngăn lại, yêu cầu quay trở về, ông Sang không chấp hành và có thái độ chống đối, đòi đánh lực lượng làm nhiệm vụ. Công an xã Thành Thới A đã lập biên bản xử phạt ông Sang về hành vi “ra đường không cần thiết trong thời gian giãn cách xã hội” và “không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ”.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Ba Tri cũng vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thanh Mến, sinh năm 1994, ngụ xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ do có hành vi dùng thanh sắt đánh bị thương một công an viên khi Mến bị lực lượng chức năng phát hiện vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Thiếu ý thức cộng đồng
Không chỉ vi phạm pháp luật mà những hành vi xúc phạm, chống người thi hành công vụ nói chung, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch nói riêng còn vi phạm về mặt đạo đức. Trong lúc các ngành, các cấp và toàn xã hội đang chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh thì những hành động thiếu ý thức này đã gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, đi ngược lại với lợi ích của xã hội, nỗ lực của cả cộng đồng.
“Dịch bệnh rất nguy hiểm, lực lượng phòng chống dịch đã rất vất vả khi làm nhiệm vụ, nếu không hỗ trợ được thì người dân hãy chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch. Những hành vi chống đối, xúc phạm đề nghị xử lý nghiêm để làm gương”, chị Trần Thị Thắm, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre đề nghị.
Về mặt pháp lý, đối với hành vi lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ có thể bị phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trường hợp được xác định là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác cản trở hoạt động thi hành công vụ của người thi hành công vụ hoặc ép buộc người thi hành công vụ làm trái công vụ của mình thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có các mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì hành vi này cũng được xác định là có “tiền sự” sẽ bị ghi vào lý lịch tư pháp, bị xác định là nhân thân xấu. Ngoài các chế tài hành chính hoặc hình sự có thể áp dụng nêu trên, nếu là cán bộ, công chức, viên chức mà vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng và kỷ luật về mặt chính quyền theo quy định.
Thanh Trúc