Xử lý nghiêm cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

09/05/2021 - 20:43

BDK - Anh Trần Thanh Tâm cùng một số hộ dân ở Tổ nhân dân tự quản số 7, ấp Giồng Chi, xã An Hiệp, huyện Ba Tri phản ánh ô nhiễm môi trường xảy ra tại địa phương. Nguyên nhân do bà Trần Thị Lý chăn nuôi heo với số lượng lớn và đã bơm chất thải ra mương vườn gây ô nhiễm.

Nước thải do chủ cơ sở chăn nuôi bơm ra mương vườn và phủ tấm bạt lên. Ảnh: PV

Không khí bị ô nhiễm

Trước đây, người dân đã phản ánh tới xã nhưng không thấy có kết quả nên đã phản ánh về Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Ba Tri. Sau đó, UBND xã An Hiệp thành lập tổ công tác tới hiện trường kiểm tra, chủ cơ sở hứa khắc phục nhưng không đạt kết quả.

Tại hiện trường (ngày 6-5-2021), bà Lý chăn nuôi heo số lượng hơn 50 con các loại, với hơn 10 ngăn chuồng. Bên ngoài chuồng có mùi hôi đã lan tỏa xuôi theo chiều gió. Nước thải ở các mương vườn (được lót và che vải bạt) đã cạn bớt nhưng vẫn còn màu đen kịt.

Bà Bùi Thị Rí (nhà ở cách chuồng heo khoảng 15m) cho hay: “Mấy ngày nghỉ lễ, con trai tôi chở vợ con về chơi, gặp phải mùi hôi thối quá chịu không nỗi nên đã đưa vợ con đi”. Nhà bà Phan Thị Sương ở gần cũng phải “gồng mình” chịu đựng, hộ bà Sương có 3 trẻ em ở độ tuổi từ 1 - 4.

Trong ngày 2-5-2021, chủ chăn nuôi đã bơm chất thải ra mương dừa khiến cho những hộ ở gần phải chịu “tra tấn” vì không khí bị ô nhiễm. Anh Tâm bày tỏ: “Vợ tôi vừa có mang đứa con thứ hai, không biết phải làm sao để tránh được mùi độc hại này”.

Theo người dân địa phương, nguồn không khí bị ô nhiễm nặng, bất kể mùa gió Nam hay gió chướng, ngày cũng như đêm các hộ dân ở gần đều bị ảnh hưởng. Cán bộ xã có tới kiểm tra nhưng không thấy xử phạt hay có biện pháp nào để ngăn chặn hoặc làm hạn chế ô nhiễm. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì nhiều người sẽ bị bệnh, nhất là đối với trẻ em và những người lớn tuổi.

Kiểm tra chưa sâu sát

Hai năm trước, tháng 10-2019, UBND xã An Hiệp nhận được phản ánh về tình trạng ô nhiễm, xã có cử cán bộ xuống kiểm tra, nhắc nhở. Chủ hộ chăn nuôi khắc phục được một thời gian ngắn, sau đó thì ô nhiễm vẫn xảy ra. Tháng 8-2020, do bức xúc nên người dân gửi đơn phản ánh trực tiếp tới Phòng TN&MT huyện, cơ quan này chuyển đơn về xã để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 27-8-2020, UBND xã An Hiệp có thành lập tổ công tác kiểm tra cơ sở chăn nuôi của bà Trần Thị Lý.

Theo biên bản, tại thời điểm kiểm tra (ngày 27-8-2020), cơ sở có 10 chuồng với tổng đàn 50 con, trong đó có 4 heo nái, 31 heo thịt và 15 heo con. Cơ sở có hầm biogas thể tích 22,5m3 và 1 hầm lắng. Tổ kiểm tra yêu cầu chủ cơ sở xây thêm 1 hầm biogas để lọc nước thải (do hầm biogas xây trước đã xuống cấp), sau đó cho nước chảy ra hầm lắng và đào ao trong vườn dừa để xử lý nước thải từ hầm lắng đi ra ngoài. Chủ cơ sở chăn nuôi cam kết sẽ thực hiện yêu cầu của tổ kiểm tra trong thời hạn 2 tháng.

Sau đó, ngày 28-8-2020, UBND xã đã lập báo cáo gửi cho Phòng TN&MT huyện. Ngày 30-8-2020, UBND xã An Hiệp lập biên bản trả lời đơn phản ánh của anh Trần Thanh Tâm. Nội dung: đoàn kiểm tra của xã đã tiến hành kiểm tra cơ sở chăn nuôi heo của bà Trần Thị Lý; bà có thực hiện việc khử mùi hôi trong chăn nuôi; việc bà Lý bơm nước thải từ hầm lắng qua mương dừa làm phát tán mùi hôi nhưng ít do đã xử lý chất thải trước; đoàn kiểm tra đã vận động bà Lý làm thêm hầm biogas, thuê máy kobe đào ao lớn nuôi cá để xử lý nước thải.

Tuy nhiên, sau lần kiểm tra ngày 27-8-2020, đoàn kiểm tra của xã đã không phúc tra, xem xét việc thực hiện cam kết của chủ cơ sở chăn nuôi. Mặt khác, chủ cơ sở đã không thực hiện đúng theo cam kết và lại tiếp tục bơm chất thải ra mương vườn và gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến khiếu nại.

Chủ tịch UBND xã An Hiệp Lê Văn Chiến cho hay: “Năm 2020, xã nhận được công văn của Phòng TN&MT chuyển đơn phản ánh của công dân về ô nhiễm xảy ra tại ấp Giồng Chi. UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra cơ sở chăn nuôi. Sau đó thì không nghe phản ánh về ô nhiễm ở khu vực này nữa. Sắp tới, xã sẽ kiểm tra hộ chăn nuôi và xử lý nghiêm, nếu có vi phạm”.

Ô nhiễm đã xảy ra tại khu dân cư, do bà Trần Thị Lý chăn nuôi heo với số lượng nhiều (thường xuyên có trên 50 con), trong điều kiện hầm biogas đã quá tải và bị xuống cấp. Chủ cơ sở chăn nuôi không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về chăn nuôi và thiếu sự kiểm tra, hướng dẫn của chính quyền địa phương cùng cơ quan chuyên môn.

 Hiện tại, người dân ở Tổ nhân dân tự quản số 7, ấp Giồng Chi, xã An Hiệp rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trả lại không khí trong lành ở khu dân cư.

PV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN