Xử lý hình sự đối với người chưa thành niên trộm cắp tài sản

15/10/2023 - 18:30

Bà N.T.A có nhu cầu tư vấn: Tháng 3-2023, cháu ngoại tôi (tên T, 17 tuổi) cùng 2 người bạn là M và Q (cả hai đã 19 tuổi) trộm cắp máy tính, điện thoại của ông H. Cả 3 đem bán được 4,7 triệu đồng và cùng tiêu xài hết 1,7 triệu đồng, còn lại chia đều mỗi đứa 1 triệu đồng. Năm 2022, M và Q đã bị xử phạt 6 tháng tù treo về hành vi trộm cắp tài sản (TCTS), còn T bị xử phạt hành chính 750 ngàn đồng. Xin hỏi: Pháp luật hình sự xử lý M và Q ra sao? T có bị xử lý hình sự hay không; nếu có, T có được xem xét giảm nhẹ hay không?

Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 173 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội TCTS như sau:

“1. Người nào TCTS của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm:

a) Có tổ chức;

g) Tái phạm nguy hiểm”.

Theo như thông tin của bà cung cấp thì 3 người gồm M, Q, T cùng nhau thực hiện hành vi TCTS của ông H (máy tính, điện thoại) bán được 4,7 triệu đồng. Do vậy, trị giá của tài sản trộm cắp chắc chắn phải hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, do M và Q đã trưởng thành (19 tuổi) nên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mình gây ra. Theo quy định nêu trên, M và Q có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội TCTS theo Điều 173 BLHS.

Ngoài ra, M, Q, T cùng nhau thực hiện việc trộm cắp; trong đó, M và Q đã từng bị kết án về hành vi TCTS vào năm 2022; M và Q có thể bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là “tái phạm nguy hiểm” và “có tổ chức” (theo điểm a, điểm g khoản 2, Điều 173 BLHS 2015) với mức phạt tù từ 2 - 7 năm.

Tuy nhiên, do T là người chưa thành niên (17 tuổi) nên căn cứ theo Điều 12 BLHS quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của bộ luật này”.

Như vậy, do T đã 17 tuổi nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi TCTS theo quy định tại Điều 173 BLHS như trường hợp của M, Q.

Do bà không nêu rõ vào năm 2022, T đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nào. Nếu là hành vi TCTS thì có thể T sẽ bị định khung tăng nặng do tái phạm. Nếu T vi phạm một hành vi khác thì có thể sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” (theo điểm i, khoản 1, Điều 51 BLHS).

Ngoài ra, tùy vào trường hợp cụ thể, T còn có thể được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 51 BLHS.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN