Xe buýt và thói quen“công cộng”

25/11/2013 - 08:41

Những con đường từ ngoại ô vào nội ô thành phố bao giờ cũng đông người, nhất là giờ cao điểm. Vào một sáng thứ hai, tôi cũng như bao người khác đang tất tả đến cơ quan để kịp giờ chào cờ Tổ quốc đầu tuần.

Xung quanh tôi cũng có nhiều người đang tất tả như vậy, người đi làm việc giống như tôi, người chạy chợ, bán buôn, người đưa con đi học. Bỗng từ trên một chiếc xe buýt (cũng chạy cùng chiều với chúng tôi), một túi ny-lon đựng một dung dịch gì đó, của ai đó trên xe buýt quăng “ào” xuống, văng tung tóe. Người bị ít thì dính đầu xe hon đa, kẻ bị nhiều thì nước dơ dính áo, dính lên mặt. Mọi người ai cũng bất ngờ, xen lẫn bực bội và thắc mắc “cái gì đây?”. Khi chợt hiểu đó là “rác” từ trên xe buýt “rơi” xuống thì chiếc xe cũng vừa đi khỏi. Mọi người không biết nói sao ngoài việc thốt lên hai từ “quá đáng !”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, khi đi về các huyện, xã đều có rất nhiều phương tiện vận tải, hiện đại có, bình dân có (đò, xe ôm, xe buýt, taxi). Và tất nhiên, trong các loại phương tiện vận tải đó, xe buýt được người dân lựa chọn nhiều nhất bởi giá vé có thể xem là thấp nhất, có nhiều tuyến đi về hợp lý, thời gian cách quãng giữa 2 chuyến không lâu… Khi đi xe buýt, hành khách cũng đã tự mình học tập được nhiều thói quen tốt, văn minh: mua vé khi lên xe (vé chuyến hoặc vé tháng); lên xe ngồi đúng số ghế đã ghi trên vé… Tuy nhiên, cũng bởi do đang dần thích nghi với các phương tiện giao thông hiện đại thay thế cho xe lam, xe thồ, xe đạp phổ biến trước đây nên đôi khi thói quen “dân dã” chưa kịp thay đổi. Mà ví dụ trên là một điển hình. Có phải trước đây, xe buýt khi còn mới, máy lạnh trên xe chạy tốt nên cửa sổ đóng kín, không có chuyện rác bay ra cửa sổ, nay tình hình đã khác rồi không? Nhớ lại cách nay vài năm, có chương trình tuyên truyền dài hơi trên xe buýt về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Người lái xe, người soát vé là cộng tác viên tích cực của chương trình này. Trên xe, mọi người được nhắc nhở về giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi qui định. Ở góc xe có thùng rác nhỏ. Phải chăng, nay trên mỗi xe buýt cần có thùng rác nhỏ và có bảng hướng dẫn thực hiện, hoặc có in dòng chữ “Xin quí khách bỏ rác vào thùng rác” hoặc “Đề nghị quí khách không vứt rác ra ngoài cửa sổ”…Phải chăng, bước lên xe buýt thì chỉ cần giữ cho chỗ ngồi của mình sạch sẽ là được, còn ngoài khung cửa sổ của xe là “khoảng công cộng” nên có quyền vứt bỏ những thứ không còn giá trị sử dụng sau khi ăn, uống?

Vào buổi sáng thứ hai hôm đó, trong số nhiều người “bị văng miểng” có hai mẹ con chị kia là nặng nhất. Đứa con gái dính đầy chất bẩn lên áo, có cả trên má nữa. Hai mẹ con đành ôm tức, chạy ngược về nhà thay áo. Và hiển nhiên em học sinh đã bị trễ buổi học sáng hôm đó.

Một thói quen không đẹp đã làm nhiều người cũng “bị không đẹp” bởi mặt mũi dơ bẩn, xe dơ bẩn, quần áo dơ bẩn, làm bẩn một đoạn đường vừa được các chị lao công quét dọn cho một buổi sáng thứ hai đầu tuần.

Thảo Hiền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN