Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực

28/04/2023 - 06:43

BDK - Hệ thống khuyến nông trên địa bàn tỉnh, với các hoạt động tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất mới, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất mới, sâu rộng đến nông dân. Từ đó, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ thuật cho lao động nông nghiệp (NN) trong sản xuất.

Kỹ sư nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ NN tư vấn trực tiếp tại hộ dân kỹ thuật trồng cây sầu riêng.  Ảnh: T. Nhân

Chỗ dựa của nhà nông

Bến Tre là một tỉnh NN với thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế thủy sản. Sản xuất NN đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. NN đóng góp trên 20% tăng trưởng chung của tỉnh và chiếm gần 39% cơ cấu kinh tế.

Với những hoạt động tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất mới là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống khuyến nông, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất mới, sâu rộng đến nông dân. Từ đó, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ thuật cho lao động NN trong quá trình sản xuất. Có thể khẳng định, thành công của ngành NN Bến Tre trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động khuyến nông.

Đến nay, tỉnh có 28 hợp tác xã (HTX), 20 tổ hợp tác (THT) dừa với quy mô 5.467,3ha và 5.916 thành viên. Tổng sản lượng dừa doanh nghiệp (DN) đã thu mua năm 2022 là 56.273.968 trái. Dừa uống nước có 12 THT với quy mô 181.4ha và 310 thành viên, tổng sản lượng dừa DN đã thu mua trong năm 2022 là 2.524.532 trái. Bước đầu đã hình thành liên kết ngang giữa 3 DN chế biến dừa tham gia trong chuỗi (Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty Thực phẩm dừa xanh, Công ty Beinco). Đây là tín hiệu tích cực bước đầu trong phát triển liên kết ngang đã phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ cho chế biến và xuất khẩu.

Kết quả xây dựng vùng sản xuất tập trung, đã phát triển 7.892ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 17.846ha, chiếm 22,9% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Trong đó, diện tích dừa đạt chứng nhận hữu cơ 11.418ha. Hầu hết các DN đều áp dụng 3 tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), Nhật (JAS) và Liên minh châu Âu (EU). Đây là ba tiêu chuẩn khó hàng đầu thế giới và có thị trường xuất khẩu dừa của Bến Tre rất lớn. Ngoài ra, một vài DN lớn đang phát triển thêm các chứng nhận hữu cơ của Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và cả tiêu chuẩn thương mại công bằng.

Hiệu quả hoạt động

Không chỉ thực hiện hàng loạt các hoạt động liên quan chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ NN còn có nhiều hoạt động tư vấn khuyến nông khác.

Cụ thể, thực hiện 60 cuộc quản lý sâu bệnh, tỉa cành tạo tán, tư vấn xây dựng mã số vùng trồng trên cây sầu riêng, bưởi da xanh tại xã Tân Phú và xã Quới Thành, huyện Châu Thành.

Chăn nuôi, thực hiện 45 cuộc tư vấn về kỹ thuật lựa chọn giống vật nuôi cho hướng sinh sản và hướng thịt, chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi ở các giai đoạn (chăm sóc bò, dê sinh sản và vỗ béo). Các quy trình phòng và điều trị bệnh cho gà, heo, dê, bò. Phương pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại...

 Thủy sản, thực hiện 3 cuộc tư vấn ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; 4 cuộc về kỹ thuật xử lý ao tôm bị nhiễm bệnh tại huyện Bình Đại... và nhiều hoạt động khác.

Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ NN còn thực hiện hàng loạt dự án, chương trình với kinh phí từ ngân sách và các tổ chức quốc tế tài trợ.

Hầu hết các mô hình do Trung tâm hướng dẫn thực hiện đều đạt kết quả tốt về mặt kỹ thuật và hiệu quả kinh tế - xã hội (bình quân lợi nhuận chênh lệch/mô hình cao hơn so với đại trà từ 15 - 20%). Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, góp phần cùng ngành NN tỉnh chuyển dịch cơ cấu cầy trồng, vật nuôi như: xây dựng mô hình trình diễn hướng dẫn nông dân chọn các giống tốt, kỹ thuật sản xuất hợp lý và rải vụ cây trồng (bưởi da xanh, xoài tứ quý, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, dừa xiêm xanh, rau màu…), vật nuôi (gà thả vườn, bò lai Sind, heo hướng nạc, tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, nghêu và một số thủy đặc sản khác...) có giá trị, ưu thế cạnh tranh cao, có khả năng xuất khẩu, nhằm mục đích chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - ngư nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững.

Dựa trên cơ sở thực hiện các chương trình trọng điểm của ngành NN, 30 năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ NN đã xây dựng 380 mô hình trình diễn khuyến nông, với trên 6.400 điểm trình diễn cho 22.260 nông dân tham dự; 270 mô hình trình diễn khuyến ngư với 320 điểm trình diễn.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN