Xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực

02/05/2022 - 11:00

BDK.VN - Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị xây dựng và ban hành Kế hoạch số 2533/KH-SNN về xây dựng thí điểm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị năm 2021 - 2023. Hiện nay, sở đang tiếp tục phối hợp với các ngành và địa phương để xây dựng các vùng sản xuất tập trung như: dừa, heo, bò, tôm biển, lúa và hoa kiểng; đồng thời, hỗ trợ, phát triển xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Sản xuất hoa kiểng ở Chợ Lách.

Xây dựng các vùng sản xuất tập trung

Về việc xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, đến nay, toàn tỉnh có 104 tổ hợp tác (THT) và 55 hợp tác xã (HTX) đã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và đạt được một số kết quả khả quan.

Cụ thể, chuỗi dừa đã hình thành 47 THT, 27 HTX với quy mô 5.194,9ha và 6.573 thành viên. Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ đã phát triển diện tích 13.125,16ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận là 7.249,2 ha (đạt 100,9% theo Kế hoạch số 3003/KH-UBND); phát triển 3 HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị dừa (đạt 100% theo Kế hoạch số 3003/KH-UBND). Về xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung dừa, đang triển khai xây dựng thí điểm 5 vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung với diện tích 1.500ha và 1 vùng sản xuất dừa uống nước tập trung với diện tích 20ha, gắn phát triển chuỗi giá trị.

Chuỗi bưởi da xanh đã hình thành 32 THT, 9 HTX, đã thực hiện liên kết với diện tích khoảng 542,65ha. Vùng sản xuất tập trung duy trì 17 liên kết với doanh nghiệp đầu ra. Tổng diện tích có thực hiện liên kết là 300ha. Diện tích đạt chứng nhận VietGAP toàn tỉnh là 388,5ha với 304 hộ tham gia (tăng 14,15ha so với năm 2021). Đến nay, xây dựng 3 mã số vùng trồng thị trường EU 69,6ha (xã An Hiệp, Quới Sơn, huyện Châu Thành; Sơn Đông, TP. Bến Tre). Cấp 186 ngàn tem truy xuất nguồn gốc.

Chuỗi chôm chôm hiện có 22 THT và 5 HTX tham gia theo chuỗi với quy mô diện tích khoảng 375,4ha/768 hộ; diện tích đạt chứng nhận VietGAP 113,2ha. Lũy kế, đã cấp 22 mã vùng trồng chôm chôm với diện tích là 151,16ha; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc với số lượng 95.000 tem (không tăng so với cuối 2021).

Chuỗi nhãn có 3 HTX gồm 260 thành viên với diện tích 98,5ha, đã ký kết hợp đồng với 5 đơn vị đầu vào, ký hợp đồng liên kết với 1 đơn vị đầu ra với sản lượng 300 tấn/năm. Ngoài ra, các HTX cũng đã hợp đồng mở 3 đại lý tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX tại chợ Nông sản Thủ Đức.

Chuỗi cây giống, hoa kiểng có 4 HTX, với 234 hộ tham gia với diện tích 54ha. Hiện tại, ngành chuyên môn đã phối hợp với các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc rà soát, nắm tình hình hoạt động sản xuất cây giống, hoa kiểng, làm cơ sở hoàn chỉnh các kế hoạch về xây dựng vùng sản xuất tập trung. Lựa chọn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX cây giống hoa kiểng để định hướng tham gia chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh cây giống, hoa kiểng.

Chuỗi con heo đã có 2 THT và 2 HTX với 134 hộ tham gia với khoảng 10.028 con và xây dựng 4 liên kết đầu vào - ra; bình quân mỗi tháng liên kết tiêu thụ đầu ra khoảng 1.500 con heo; đang tiếp tục vận động, thành lập thêm 1 HTX tham gia chuỗi heo tại huyện Mỏ Cày Nam.

Chuỗi con bò đã có 1 THT và 3 HTX tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp và HTX với tổng cộng 1.600 con; Thực hiện liên kết đầu ra bình quân mỗi quý tiêu thụ khoảng 100 con bò; hiện tiếp tục vận động, thành lập thêm 1 HTX tham gia chuỗi bò trên địa bàn huyện Ba Tri.

Chuỗi tôm biển đã có 1 THT và 3 HTX tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp với tổng diện tích 243,28ha. Tuy nhiên, do các liên kết trong chuỗi bị phá vỡ nên các THT, HTX đã ngừng hoạt động.

Sản xuất tôm công nghệ cao ở Thạnh Phú.

Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản

Thời gian tới, UBND tỉnh đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU. Cụ thể là tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 07-NQ/TU, gắn với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân để tham gia thực hiện.

Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và gắn với biến đổi khí hậu. Tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi.

Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh.

Tiếp tục quan tâm củng cố và xây dựng các tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng rút ngắn chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả phân phối lợi ích giữa các tác nhân. Tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ,…

Bài, ảnh: Trương Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN