Xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị

22/11/2022 - 12:59

BDK.VN - Ngày 22-11-2022, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi nông sản để nghe báo cáo về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre. Cùng dự buổi làm việc có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh.

Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre nêu thuận lợi, khó khăn về việc xây dựng vùng trồng đối với cây dừa.

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Để cụ thể hóa, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 3003/KH-UBND. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản triển khai đến các đơn vị trực thuộc  đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

Ngành cũng đã xây dựng Kế hoạch số 2533/KH-SNN về xây dựng thí điểm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị năm 2021-2023; Kế hoạch số 175/KH-SNN hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm năm 2022-2025 và định hướng 2030. Kết quả, hiện có 50 tổ hợp tác (THT), 59 hợp tác xã (HTX) tham gia xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Điển hình trong xây dựng vùng sản xuất dừa với tổng diện tích 19.411ha (chiếm 25% diện tích dừa toàn tỉnh), với 32 THT, 28 HTX. Bưởi da xanh có 14 vùng trồng tại Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc với diện tích 189,96ha. Với 7 THT, 12 HTX hình thành 19 liên kết với DN đầu ra, diện tích 384,12ha. Sản lượng tiêu thụ bưởi khoảng 200 tấn/tháng.

Đối với chôm chôm, cấp 25 vùng trồng với diện tích 151,16ha và xây dựng tem truy xuất nguồn gốc với số lượng 95.000 tem. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn mặn, làm suy giảm diện tích, sản lượng của chôm chôm. Hiện tại, duy trì 3 vùng trồng trên chôm chôm, diện tích 32,05ha, với 3 HTX tham gia chuỗi chôm chôm với diện tích khoảng 32ha.

Đối với sầu riêng, có 1 HTX, 7 THT tham gia liên kết với các DN đang xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng với 113,45ha. (Trong tháng 10-2022, đã cấp 2 mã vùng trồng sầu riêng đi Trung Quốc với diện tích 67,45ha ).

Chuỗi tôm, tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Trong tháng phát triển thêm 187ha  nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Lũy kế từ đầu năm đến nay 567/500ha (đạt 113,4 % kế hoạch năm 2022). Lũy kế đến nay đạt 2.567 ha/2.500 ha/841 hộ nuôi. Sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 74.069 tấn (riêng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến cuối tháng 10-2022 đạt 39.600 tấn)…

Buổi làm việc đã ghi nhận 7 ý kiến đại diện cho DN, HTX, 5 ý kiến của sở, ngành, UBND và HĐND tỉnh. Trong đó, các ý kiến của DN trong tham gia liên kết chuỗi, xây dựng vùng trồng như: Về thuận lợi, khó khăn; cần có chính sách khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh trong sản xuất nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ HTX về thuế; ngành nông nghiệp mở rộng xây dựng vùng sản xuất tập trung, quản lý chặt chẽ việc liên kết và xây dựng mã vùng trồng nhằm đảm bảo tính chặt chẽ; tạo điều kiện về đất sạch để DN mở rộng sản xuất, xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ, nhà máy chế biến sản phẩm trái cây khác…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh giải trình một số ý kiến của DN, HTX.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đã ghi nhận các đề xuất kiến nghị của DN, HTX. Đồng thời, giải trình và cho biết sẽ chỉ đạo điều hành trong hoạt động xây dựng mã vùng trồng gắn với chuỗi giá trị trong thời gian tới. “Đề nghị các HTX đứng ra làm mã vùng trồng, DN làm mã đóng gói. Các DN cần tiếp tục gắn với ngành khoa học và công nghệ nghiên cứu các đề tài đảm bảo tính khả thi. DN mạnh dạn hơn trong xây dựng thương hiệu và bán sản phẩm bằng thương hiệu của chính mình để gia tăng giá trị…” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh lưu ý một số vấn đề liên quan.  

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng: Thời gian tới cần có đánh giá đầy đủ thời cơ, thuận lợi và khó khăn để có định hướng, chỉ đạo mang tính sát thực; có giải pháp khắc phục khó khăn, về lâu dài tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.

Đã đến lúc phải ngồi lại cùng bắt tay nhau để thay đổi cách nghĩ, cách làm. Đối với mối liên kết 3 nhà: Nhà nước, Nhà nông, DN cần tiếp tục củng cố, phát triển, thắt chặt để cùng nhau làm giàu, đảm bảo hài hòa về lợi ích, xây dựng niềm tin. Nhà nước tăng cường công tác quản lý, điều tiết, kết nối, tạo điều kiện tốt nhất cho DN, HTX hoạt động. DN kết nối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ trì phối hợp các sở, ngành tổ chức các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh hiệu quả; tham mưu ban hành chính sách phù hợp sát với nhu cầu thực tế; đề xuất đổi mới những cách làm hay hiệu quả trong hoạt động liên kết, xây dựng mã vùng trồng gắn với chuỗi giá trị.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó cấp xã cần phải “xắn tay” vào cuộc để thúc đẩy, giám sát các mối liên kết, gắn với tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân, xây dựng điển hình và nhân rộng điển hình.

Các DN, HTX chủ động, tăng cường nghiên cứu nắm bắt, phối hợp thường xuyên với các cấp chính quyền để kịp thời nêu những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị giải pháp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Tỉnh sẽ tăng cường kết nối làm việc với các cơ quan ngoại giao để mở rộng thị trường.

Tin, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN