Xây dựng và khai thác tuyến du lịch chợ nổi dừa sông Thom

13/09/2023 - 05:26

BDK - Thời gian qua, tuyến du lịch (DL) chợ nổi dừa sông Thom, huyện Mỏ Cày Nam đã được một số doanh nghiệp (DN) DL đưa vào khai thác và được kỳ vọng như là sản phẩm DL mang tính đặc trưng của tỉnh. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn hiện hữu, tuyến DL này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, để ngỏ nhiều giá trị văn hóa bản địa tiềm năng.

Một đoạn sông Thom nhìn từ phía cầu Thom, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Chợ nổi dừa sông Thom nằm cách trung tâm thị trấn Mỏ Cày khoảng 7km, thuộc địa bàn xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Hai bên bờ sông Thom có nhiều cơ sở sơ chế, chế biến dừa, làm ra nhiều sản phẩm độc đáo từ dừa như: cơm dừa sấy khô, chỉ xơ dừa, than gáo dừa, đất sạch từ mụn dừa, dầu dừa, kẹo dừa, thảm chỉ xơ dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa… Chợ nổi dừa trên sông Thom được mệnh danh là chợ nổi dừa độc nhất ở miền Tây, bởi các sản phẩm chủ lực là dừa và các sản phẩm từ dừa.

Các đường tour khai thác ở đây được các DN DL thiết kế trong 1 - 2 ngày tham quan, kết hợp với các địa phương khác như: Mỏ Cày Bắc, TP. Bến Tre, hoặc là điểm đến riêng biệt trong 1 ngày. Sau đó, du khách sẽ chuyển về lưu trú ở TP. Bến Tre hoặc đi tiếp qua Trà Vinh. Theo đánh giá của huyện, tiềm năng DL của huyện chưa được khai thác hết. Phương tiện, nguồn lực, vật chất phục vụ khách DL đáp ứng nhu cầu nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu. Các điểm tham quan DL hình thành còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển DL, chưa giữ chân được du khách lưu trú dài ngày, còn thiếu các điểm ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm phục vụ du khách.

Một DN DL tiêu biểu của huyện Mỏ Cày Nam là Coconut Homestay thời gian qua đã đưa chợ nổi dừa sông Thom vào đường tour của mình. Ông Thạch Si Na -  Chủ Coconut Homestay cho biết, phản hồi của du khách, nhất là khách quốc tế đến tham quan khu vực chợ nổi dừa rất tốt. Tuy nhiên, việc quảng bá về chợ nổi dừa cần kỹ hơn để tránh gây nhầm lẫn cho du khách liên tưởng tới chợ nổi ở những địa phương khác.

Cùng bày tỏ những hạn chế gặp phải, ông Trì Văn Nghiệp - đơn vị DL Cái Cấm, một trong những DN DL gắn bó nhiều năm với đường tour DL sinh thái khu vực Mỏ Cày Bắc - Mỏ Cày Nam cho biết: Tour của DL Cái Cấm đã đưa khách từ chợ Thom theo rạch Trâm Bầu để đi vào khu vực nhà truyền thống Đồng Khởi. Hiện nay, đơn vị đang tìm thêm điểm dừng chân cho du khách uống nước dừa và xem cách hái dừa, cũng như điểm để ăn uống, mua sắm sản phẩm từ dừa.

Theo góp ý của các DN DL đang khai thác tuyến DL chợ nổi dừa sông Thom, hiện họ gặp phải những hạn chế khi đưa khách về tuyến này vì thiếu bến lên xuống tàu DL, dọc theo tuyến sông Thom có rất nhiều cơ sở làm nghề dừa nhưng chưa khai thác DL bài bản, tiềm năng, dư địa của các hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương còn nhiều nhưng chỉ dừng lại ở sản xuất, kinh doanh, chưa khai thác DL.

Gợi mở nhiều giải pháp

Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến DL tỉnh Võ Thanh Sơn, huyện cần định vị và sắp xếp tổ chức lại để hình thành rõ nét các điểm đón khách tham quan chỉn chu. Từ đó, tiếp tục quảng bá, giới thiệu điểm đến với du khách trong và ngoài tỉnh, ngoài nước.

Ông Võ Văn Phong - DL C2T (TP. Bến Tre) chia sẻ, vấn đề môi trường do chăn nuôi hai bên bờ sông Thom hiện vẫn còn đáng chú ý. Để phát triển DL sông Thom, cần xây dựng sản phẩm DL “từ vườn dừa ra sông Thom”, có sản phẩm dẫn để làm truyền thông quảng bá, cùng với sản phẩm chính, mang nét đặc trưng của sông Thom để tránh trùng lặp sản phẩm ở địa phương khác. Tận dung không gian khu di tích Đồng Khởi để kể trọn vẹn câu chuyện từ vườn dừa ra bến sông.

Bên cạnh đó, DN DL đề xuất ngành DL cũng như địa phương có thể xem xét xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện câu chuyện Đồng khởi tại Di tích Đồng Khởi hoặc câu chuyện tại chùa Tuyên Linh để đón khách tham quan.

Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Việt Thành cho biết: UBND huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành tỉnh đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu tiến tới quy hoạch chi tiết 4 phân khu của Đề án Làng dừa đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trước mắt, UBND huyện sẽ xây dựng kế hoạch liên tịch đối với các sở, ngành tỉnh và các đơn vị để triển khai thực hiện các giải pháp. UBND huyện sẽ có kế hoạch riêng phân công các ngành chức năng của huyện, UBND các xã, thị trấn vận động nhân dân, các hộ sản xuất, kinh doanh dừa ven sông Thom tham gia phát triển DL.

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và DL Nguyễn Thị Ngọc Dung, ở góc độ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về DL, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng với huyện hoàn thiện hơn về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, làm tốt hơn sản phẩm DL; phối hợp thực hiện công tác truyền thông quảng bá DL, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để làm tốt hơn việc khai thác tuyến DL chợ nổi dừa sông Thom.

Sở Văn hóa, Thể thao và DL, UBND huyện Mỏ Cày Nam vừa phối hợp tổ chức buổi làm việc, trao đổi giải pháp xây dựng và khai thác tuyến DL chợ nổi dừa sông Thom gắn với làng nghề chế biến dừa và Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan, các hợp tác xã của huyện Mỏ Cày Nam, các DN DL trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, các DN DL, hợp tác xã đã có nhiều ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị, đề xuất để cùng chung tay với ngành chức năng và chính quyền địa phương khai thác hiệu quả tuyến DL chợ nổi dừa sông Thom.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN