Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị cây giống - hoa kiểng

02/08/2023 - 05:21

BDK - Qua hơn 3 năm, với vai trò “chủ công”, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh đã triển khai xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị cây giống - hoa kiểng với những kết quả đáng ghi nhận. Có 13 hợp tác xã (HTX) cây giống - hoa kiểng thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Các HTX thực hiện liên kết đầu vào sản phẩm như: mắt ghép, bo, gốc ghép, vật tư nông nghiệp…

Những năm gần đây, sản xuất và kinh doanh hoa kiểng không ngừng phát triển. Ảnh: Trung Hiếu

Hạn chế trong tạo mối liên kết

Người dân Bến Tre nói chung và người dân ở các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành… nói riêng tự hào với nghề sản xuất cây giống. Đây là nghề truyền thống có từ khá lâu. Nghề này trở thành “cha truyền con nối”, góp phần đáng kể trong phát triển diện tích cây ăn trái ở nước ta. Hàng năm, có trên 8 ngàn hộ sản xuất và cung ứng cây giống cho các tỉnh, với số lượng từ 17 - 20 triệu cây giống các loại như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, xoài, nhãn, mít và các loại cây có múi khác.

Người dân trong tỉnh nói chung, Chợ Lách nói riêng đều có tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm trong nghề sản xuất cây giống. Hầu như tất cả giống cây trồng, cây ăn trái chủ lực đều được người dân nhân giống thành công và đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước. Cây giống của Chợ Lách cũng như của tỉnh đã trở thành thương hiệu phổ biến và có vị trí xứng tầm trên thị trường. Doanh thu bình quân tại vùng sản xuất cây giống (huyện Chợ Lách) là 776 triệu đồng/ha/năm. Ngành sản xuất cây giống hiện nay đạt giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn huyện là 831,8 tỷ đồng, chiếm 41,6% giá trị sản xuất ngành trồng trọt trên địa bàn. Lợi nhuận bình quân xấp xỉ 461 triệu đồng/ha/năm.

Đối với hoa kiểng cũng là nghề truyền thống của địa phương. Những năm gần đây, sản xuất và kinh doanh hoa kiểng không ngừng phát triển về số hộ sản xuất và sản lượng cung cấp trên thị trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa kiểng diễn ra xuyên suốt trong năm.

Tuy nhiên, sản xuất cây giống - hoa kiểng ít nhiều vẫn còn hạn chế trong tạo mối liên kết, khuyến khích phát triển hợp tác vùng trong sản xuất. Các sản phẩm cây giống - hoa kiểng giao thương với các tỉnh, thành trong khu vực cũng như cả nước chưa thật sự vững mạnh, nhất là trong bối cảnh thị trường phát triển theo xu hướng hiện nay, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Hướng đến hoàn thiện chuỗi giá trị

Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Nguyễn Quốc Trung cho rằng, để giải quyết bài toán thách thức đặt ra, trung tâm đã đồng hành cùng người dân sản xuất cây giống - hoa kiểng thông qua việc triển khai hoạt động chuỗi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và đại diện các HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc và Châu Thành, nhằm định hướng đầu tư và sản xuất cho các HTX. Từ đó, tạo liên kết, hình thành vùng sản xuất tập trung…

Sản xuất mai con quấn rễ ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách. Ảnh: Thanh Đồng

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, lũy kế có 13 HTX cây giống - hoa kiểng thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Các HTX chủ yếu thực hiện liên kết đầu vào sản phẩm như: mắt ghép, bo, gốc ghép, vật tư nông nghiệp… Diện tích vùng sản xuất tập trung cây giống - hoa kiểng hiện đã tạo liên kết 133,5ha, đạt 133,5% so với mục tiêu ban đầu 100ha. Trong đó, huyện Mỏ Cày Bắc liên kết được 22ha, tập trung ở xã Hưng Khánh Trung A (12ha), Phú Mỹ (10ha); huyện Chợ Lách 111,5ha, tập trung xã Phú Sơn (30ha), Vĩnh Thành (26,5ha), Long Thới (55ha).

Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh đã thẩm định và ban hành 8 quy trình sản xuất cây giống - hoa kiểng chủ lực của tỉnh. Thực hiện nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu các loại hoa kiểng, cây ăn trái, cây dược liệu và sản xuất đặt hàng nuôi cấy mô theo yêu cầu của các hộ sản xuất, kinh doanh cây giống - hoa kiểng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách bình tuyển, thẩm định cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để đảm bảo 70% cây giống có nguồn gốc từ cây đầu dòng…

Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Nguyễn Quốc Trung cho biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả đạt được cũng như nhìn nhận các hạn chế, bất cập, trung tâm đã xác định một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chuỗi giá trị cây giống - hoa kiểng trong thời gian tới đúng với tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị chủ lực của tỉnh. Tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các HTX. Hướng dẫn tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX trên các mặt hoạt động, theo quy định của Luật HTX năm 2012 và pháp luật liên quan. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể (KTT), HTX theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của HĐND tỉnh. Đẩy mạnh việc thành lập liên minh HTX cây giống - hoa kiểng trên địa bàn huyện Chợ Lách. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX. Tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn pháp lý cho người sản xuất, kinh doanh cây giống và hoa kiểng, giúp hiểu rõ hơn về các quy định mới, hiện hành, tránh làm sai quy định của pháp luật.

Tiếp tục xây dựng và thẩm định công nhận 7 quy trình sản xuất các chủng loại cây giống và hoa kiểng chủ lực của tỉnh. Tiếp tục nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu các loại kiểng có tại trung tâm và một số chủng loại khác theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất; đặc biệt, cấy mô và trồng thử nghiệm dừa và cúc mâm xôi. Đăng ký đặt hàng thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia đã được phê duyệt.

Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong đó, đa dạng hóa các khâu dịch vụ, chú trọng đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối tiêu thụ ổn định.

“Trong quá trình hoàn thiện các mắc xích trong chuỗi giá trị cây giống - hoa kiểng cần chú trọng nhiều hơn sự liên kết của các bên tham gia như: Nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh tế (doanh nghiệp) và nhà nông. Đây là trách nhiệm và nhiệm vụ chung để thực hiện đúng tinh thần “Nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng” theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu”.

(Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Nguyễn Quốc Trung)

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN