Hướng đến nông nghiệp 4.0, bài 3:

Xây dựng thương hiệu nông sản mạnh thời 4.0

19/07/2019 - 06:02

BDK - Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp phát triển bền vững. Việc xây dựng thương hiệu nông sản mạnh thời 4.0 dựa trên tư duy đổi mới và ứng dụng công nghệ. Theo các chuyên gia khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, cùng với Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Bến Tre đang có nhiều cơ hội vượt lên dẫn đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng thương hiệu mạnh.

Nhiều sản phẩm của Bến Tre đã được dán tem truy xuất điện tử.

Quảng bá, xây dựng thương hiệu

Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược và Thương hiệu The Pathfinder, chuyên gia về khởi nghiệp của tỉnh chia sẻ, bưởi da xanh Bến Tre có giá trị dinh dưỡng rất cao. Đối với mỗi sản phẩm, phải xác định ngay từ ban đầu sản phẩm đáp ứng nhu cầu gì của khách hàng, có phù hợp với nhu cầu thực tế, xu thế thời đại. Khi làm marketing online hãy tập trung vào nội dung để thu hút khách hàng đến website mua hàng. Các thương hiệu cần được quan tâm đổi mới thường xuyên, xây dựng cho phù hợp, nếu không sẽ rơi lại phía sau và bị thay thế bởi hàng ngoại. Dù kinh doanh nhỏ hay lớn, chúng ta cần để ý việc đổi mới sản phẩm, có logo mới, hình ảnh mới, thiết kế mới, truyền thông mới, kể cả mô hình kinh doanh mới.

Xây dựng thương hiệu thời 4.0 nhằm cung cấp cho khách hàng nhiều thông tin về sản phẩm như sản phẩm hữu cơ, giá trị dinh dưỡng, cảm xúc, giá trị cộng đồng, tính tiện dụng… Các thương hiệu nào liên quan đến công nghệ càng nhiều thì giá trị càng lớn. Dần chuyển dịch từ thương hiệu đại chúng sang thương hiệu ngách, quy mô nhỏ, phù hợp với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Tuấn, vấn đề trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt ở Bến Tre là cần phải phát huy các chỉ dẫn địa lý, các nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể bằng cách quản trị tốt nó. Tương tự, trong phát triển du lịch nông nghiệp, cần xây dựng thương hiệu điểm đến để có nhiều cơ hội vươn lên dẫn đầu trong xây dựng thương hiệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Truy xuất điện tử

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường ảnh hưởng đến uy tín nhà sản xuất chân chính, Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smart Life đã nghiên cứu và phát minh giải pháp “Ứng dụng nhật ký điện tử thông minh quản lý chuỗi cung ứng - số hóa cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử”. Ông Nguyễn Thế Tiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, ứng dụng này là một hệ sinh thái tổng thể và toàn diện cho việc quản trị chuỗi cung ứng, thông qua tất cả các khâu, từ sản xuất nguyên liệu chế biến, phân phối và thương mại điện tử. Đặc biệt, phân hệ “tem truy xuất bảo mật” của Smart Life là ứng dụng bảo mật đa tầng, xử lý cơ sở dữ liệu bằng các công nghệ thuật toán tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu Bigdata, mỗi sản phẩm được gán một mã truy ID duy nhất trên toàn cầu và được mã hóa qua ma trận biến đổi QR - Code trên mỗi con tem, hệ thống có định vị, phát hiện và cảnh báo khi có sản phẩm bị làm giả.

Phần mềm quản trị hệ thống giúp nhà sản xuất, nhà quản lý chủ động quản lý, sao kê và cập nhật thông tin cho từng lô sản phẩm, hoặc có thể quản lý đến từng sản phẩm. Nhà sản xuất có thể quảng bá sản phẩm bằng các video sống động, tham gia vào thị trường thương mại điện tử (TMĐT) dễ dàng, với chi phí thấp.

Việc “số hóa cơ sở sản xuất - chế biến - hệ thống tem truy xuất bảo mật và TMĐT” vào chương trình OCOP Bến Tre đang được tỉnh quan tâm, nhằm hướng tới chuyên nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Thương mại điện tử

Năm 2016, chỉ số TMĐT Bến Tre được xếp vị trí từ 36 - 40 trong 63 tỉnh, thành của cả nước và đứng thứ 6 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh có sự bứt phá ngoạn mục và giữ vị trí ổn định, vị trí thứ 2 khu vực ĐBSCL và thứ 26 - 28 trong cả nước. Điều này cho thấy phía doanh nghiệp địa phương đã nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, lợi ích của TMĐT trong sản xuất, kinh doanh và phía cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều chương trình, giải pháp thúc đẩy hoạt động TMĐT phát triển. Cụ thể là kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 đã được Sở Công Thương triển khai với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 64 doanh nghiệp đã đăng ký website giao dịch TMĐT được xác nhận của Bộ Công Thương. Đến nay, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với VECOM và Tập đoàn Lazada triển khai chương trình: “Ngày của Làng dừa Bến Tre Online”. Theo ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương, kết quả bước đầu tương đối thành công. Sở đã đánh giá những mặt được, chưa được và bắt tay vào triển khai giai đoạn 2 của chương trình với quy mô rộng hơn và mở rộng đối tượng hơn chứ không dừng lại ở sản phẩm từ dừa, ưu tiên các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh cũng như các sản phẩm OCOP.

“Hướng tới là xây dựng, vận hành và khai thác một cách có hiệu quả sàn giao dịch TMĐT với tên gọi Đặc sản Bến Tre để cung cấp các giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối nông sản sạch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sở cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm của từng đơn vị, trong đó quan tâm đến việc giới thiệu các yếu tố đặc thù của mặt hàng nông sản như quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc... trên môi trường mạng”, ông Lê Văn Khê cho hay.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng ứng dụng truy xuất tem hiện nay là một xu thế trong tiêu dùng hiện đại. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã cung cấp dịch vụ này cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng nông sản trên địa bàn tỉnh như VNPT Bến Tre, Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smart Life...

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN