Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

01/09/2017 - 07:28
Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam và Phó tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Ngô Hoài Chung (thứ 2 và thứ 3 từ phải sang) tham quan gian hàng quảng bá giới thiệu du lịch tại hội chợ. Ảnh: Thạch Thảo

Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 30-8-2017 là một trong những sự kiện tâm điểm của Tuần lễ Văn hóa - Du lịch lần II-2017. Hội thảo thu hút nhiều đại biểu trong và ngoài tỉnh đến dự, đóng góp thông tin gợi mở một số vấn đề, cái nhìn hoàn toàn mới cho du lịch Bến Tre.

Nhận diện lại thế mạnh cây dừa

Ngay sau khi Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành, cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bến Tre đã xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện nghị quyết với mục tiêu “Phát triển đa dạng các loại hình du lịch xứ Dừa dựa vào tiềm năng về tự nhiên, văn hóa và con người. Phấn đấu đến năm 2020 tổng thu từ hoạt động du lịch tăng 22 - 25%/năm; tổng lượt khách du lịch tăng 12 - 15%/năm, đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng. Đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; giá trị tăng thêm của ngành du lịch chiếm 8 - 10% GRDP của tỉnh”. Việc tìm hướng đi mới để phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có là một việc làm rất quan trọng và cần thiết trong thời gian này.

Trong “vai” vừa là nhà nghiên cứu, vừa là khách du lịch có nhiều năm kinh nghiệm, Th.S Phan Bửu Toàn - Trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn cảm nhận, từ những sự kiện liên quan đến dừa do Bến Tre tổ chức, ông cảm thấy chưa “đã” khi đến để tìm trải nghiệm về dừa. Ông đề nghị Bến Tre nên tập trung đầu tư vào “chuỗi giá trị của cây dừa” để xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc thù. Bởi không ai có thể phủ nhận Bến Tre là xứ Dừa khi toàn tỉnh có hơn 70 ngàn héc-ta đất trồng dừa; tính độc đáo “có một không hai” còn ở chỗ, không có nơi nào trên đất nước mà giá trị cây dừa từ rễ đến ngọn được khai thác triệt để qua bàn tay và khối óc của người dân như ở Bến Tre.

Du lịch đi theo dừa, dừa đi theo du lịch. Để biến chuỗi giá trị cây dừa thành sản phẩm du lịch đặc thù, trước hết cần định vị lại sản phẩm du lịch chủ đạo của Bến Tre là chuỗi giá trị từ cây dừa, từ đó xây dựng thương hiệu “Du lịch xứ Dừa” hay “Du lịch dừa”. Hiện tại, ngành du lịch tỉnh nhà đang xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa”, chưa thể hiện tính đặc thù độc đáo mà Bến Tre đang có. Việc khai thác các sản phẩm dừa để phục vụ du lịch chưa được sắp xếp thành một hệ thống để du khách có được trải nghiệm đặc biệt, cảm xúc thăng hoa từ những nét độc đáo đầy sáng tạo từ dừa. Cây dừa không phải là loại cây đặc hữu của vùng đất Bến Tre mà còn được trồng nhiều nơi ở Việt Nam, nhưng khai thác chuỗi giá trị của loại cây này thì có lẽ chỉ có Bến Tre là xứng đáng số một, Th.S Phan Bửu Toàn khẳng định.    

Kết nối thế mạnh của dừa

Chủ đề cây dừa trở nên sinh động trong buổi hội thảo, bởi không hẹn mà gặp, các ý kiến đóng góp đều xoay quanh giá trị cây dừa. Hàng loạt những ý tưởng mới mẻ khai thác dừa được đưa ra trình bày tại hội thảo một cách có hệ thống, thuyết phục.

PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hạnh (Đại học Văn Hiến) mang đến cho hội thảo tham luận phát triển du lịch ẩm thực với 22 món ăn có vị mặn, 27 món có vị ngọt và 4 loại nước uống dùng nguyên liệu từ dừa và một số gia vị như nước màu dừa, nước mắm pha nước dừa tươi. Chính vị ngon của nước cốt dừa và nước dừa tươi Bến Tre biến hương vị các món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ trở nên đậm đà hơn.

Một số đại biểu khác cho rằng Bến Tre hoàn toàn có khả năng phát triển du lịch MICE (bao gồm các loại hình: du lịch hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm). Khai thác du lịch văn hóa, sinh thái và làng nghề truyền thống với những thuyết minh sinh động, hữu ích để du khách có dịp hiểu về mảnh đất Bến Tre. Dừa trong y học dùng để chữa bệnh, thiết kế tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh bằng dược phẩm làm từ dừa. Hay, một tour “Du lịch với trái dừa” đặc sệt tính dừa như tận hưởng spa dừa, thưởng ngoạn kiến trúc về dừa, xem dừa lên phố…

TS Nguyễn Thị Phương Lan - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: Bến Tre cần khảo sát nhu cầu của khách để tìm sản phẩm đặc thù. Phải có bộ thuyết minh đặc sắc về tài nguyên du lịch; về lịch sử, văn hóa… của xứ Dừa vì đi du lịch là để hiểu biết địa phương đó, chứ không chỉ để ăn, uống, ngủ, nghỉ. Phải kết nối những gì chúng ta đã nhận diện về thế mạnh của Bến Tre.

Với tinh thần sẵn sàng nắm bắt cơ hội, tận dụng các thế mạnh, phát huy tiềm lực sẵn có, tâm đắc với kết quả của buổi hội thảo, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ lòng cảm ơn đối với các tham luận, ý kiến của các đại biểu: “Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đa dạng, phong phú và chỉ ra khá nhiều cái mới từ những góc độ khác nhau (do thành phần tham dự gồm nhà nghiên cứu, nhà khoa học, người làm công tác quản lý, kinh doanh du lịch) giúp chúng tôi có thêm những ý tưởng về các sản phẩm mới trên địa bàn”.  

Ra mắt Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cũng ra quyết định thành lập, công nhận Ban chủ nhiệm và điều lệ hoạt động Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch tỉnh. Ban chủ nhiệm có 9 thành viên, trong đó ông Võ Thanh Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch làm chủ nhiệm; ông Phan Văn Thông - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ thương mại Cồn Phụng, ông Trì Văn Nghiệp - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Thương mại Nam Bộ tại Tiền Giang làm Phó chủ nhiệm.

Ra mắt Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch tỉnh Bến Tre.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh với 12 thành viên, gồm 1 trưởng ban, 2 phó ban và 9 ủy viên. Ban này có nhiệm vụ vận động tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Hiệp hội Du lịch và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập Hiệp hội Du lịch gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập theo quy định của pháp luật.

T.Thảo

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN