Xây dựng quy hoạch tỉnh gắn với vùng đồng bằng sông Cửu Long

30/06/2021 - 06:24

BDK - Bến Tre đang triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung nội dung cốt lõi về không gian phát triển, thị trường và nguồn lực, nhằm tạo ra bản quy hoạch tốt gắn với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn.

Phát triển các khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn TP. Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng

* Xin ông cho biết công tác tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến nay được thực hiện như thế nào?

- Thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ triển khai thi hành Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 7-5-2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng Quy hoạch tỉnh và triển khai các bước tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 từ năm 2020. Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh (Quyết định số 916/QĐ-TTg) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tổ chức lựa chọn các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm lập quy hoạch tỉnh. Đến nay, tổng khối lượng đã thực hiện được khoảng 50%. Cụ thể, đã hoàn thành công tác khảo sát, phân tích, đánh giá và xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn của tỉnh; đề xuất sơ bộ về Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Chiến lược phát triển thời kỳ 2021 - 2030, với 4 trụ cột và 8 nhóm giải pháp; đề xuất quan điểm, mục tiêu phát triển; xác định không gian phát triển của tỉnh; xây dựng phương án phát triển cho các hợp phần.

Tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành website: bentre.cdt.net.vn để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương có liên quan trực tiếp tương tác với đơn vị tư vấn, tham gia đóng góp ý kiến đối với quy hoạch tỉnh. Dự kiến, đến cuối tháng 11-2021, tỉnh sẽ hoàn thành dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh) thẩm định. Sau đó, tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa, bổ sung theo báo cáo thẩm định, hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

* Kết quả từ Tầm nhìn chiến lược của tỉnh, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và các văn bản cụ thể hóa nghị quyết được tiếp thu, xây dựng ra sao cho phù hợp với quy hoạch?

- Trên cơ sở Tầm nhìn chiến lược của tỉnh, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, các ngành tỉnh và đơn vị tư vấn đang chắt lọc những nội dung cốt lõi, trụ cột phát triển chính và các giải pháp động lực, đột phá để đưa vào quy hoạch tỉnh, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quan điểm, định hướng, tầm nhìn phát triển tỉnh, trên cơ sở khát vọng và cơ sở khoa học, nguồn lực rõ ràng, đảm bảo quy hoạch phải chuyển tải được thực tiễn đang diễn ra, định hình sự phát triển của tỉnh phù hợp với từng giai đoạn.

* Mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh?

- Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành công tác khảo sát, đang phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đề xuất quan điểm, tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu phát triển… Bến Tre với lợi thế gần các trung tâm kinh tế chính, động lực của khu vực, có tiềm năng lớn về kinh tế biển, hành lang mở ven biển kết nối các tỉnh ven biển phía Đông, nhất là từ TP. Hồ Chí Minh về ĐBSCL. Chúng tôi sẽ định dạng và khai thác triệt để lợi thế này. Các trụ cột phát triển chính của tỉnh là dồn lực cho phát triển kinh tế biển (nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng mới, đô thị biển, du lịch, hạ tầng logistic biển...).

 Tỉnh nhấn mạnh đến trụ cột nâng cao giá trị nông nghiệp và thị trường, công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống qua phát triển đô thị. đô thị cũng sẽ là trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

* Về việc định hướng xây dựng quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch vùng ĐBSCL, thưa ông?

- Quy hoạch tỉnh không tách rời quy hoạch vùng, nhất là những lĩnh vực, chương trình liên quan đến phát triển cả vùng. Ví dụ, hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu kỹ tuyến hành lang kinh tế ven biển nối từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh ĐBSCL. Nếu tuyến này được mở ra, với 700km thì góp phần định hình không gian phát triển cho các tỉnh trong vùng như: tái sắp xếp dân cư, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch, đô thị. Đặc biệt, tạo quỹ đất để phục vụ công nghiệp chế biến, chế tạo, hạ tầng phục vụ ngành năng lượng tái tạo... sẽ đóng góp lớn cho phát triển các tỉnh ven biển nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung.

Ngoài ra, sẽ giải quyết được các vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường quốc phòng, an ninh biên giới biển. Nông nghiệp là ngành kinh tế chính của vùng, quy hoạch vùng và tỉnh phải tính đến các trung tâm đầu mối, nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp của cả vùng.

* Xin cảm ơn Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh!

Thành Châu (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN