Xây dựng “pháo đài” phòng chống dịch Covid-19

02/08/2020 - 20:44

BDK - Chiều 2-8-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19. Tại điểm cầu tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh tham dự. Cuộc họp tập trung thảo luận biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới; về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Thủ tướng kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trên tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng không ngừng lại sự phát triển kinh tế - xã hội, mỗi gia đình trong vùng dịch là “pháo đài” chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ. Mọi người cần bảo vệ chính mình, bảo vệ người dân trên địa bàn cư trú.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến ngày 2-8-2020, cả nước có 590 người nhiễm Covid-19, trong đó 5 ca đã tử vong. Dịch tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7-2020, đã qua 4 - 5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch (từ ngày 5 đến 8-7-2020 và từ  ngày 16 đến 20-7-2020). Dịch tại Đà Nẵng khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở cộng đồng. Mặt khác, việc truy vết Fo đầu tiên là rất khó khăn.

Trước diễn biến tình hình hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia. Kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; tiếp tục làm tốt công tác điều trị và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”. Khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ TP. Đà Nẵng từ ngày 1 đến 28-7-2020 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, huy động các cơ sở có khả năng thực hiện xét nghiệm, thực hiện việc thanh toán bảo hiểm y tế cho xét nghiệm Covid-19. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế. Tăng cường năng lực, thành lập các tổ, đội giám sát cách ly, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ. Địa bàn có nguy cơ cao, yêu cầu mọi người dân phải ở tại nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Ngoài ra, hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Tổ chức làm việc tại nhà, trực tuyến phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.

Người dân nâng cao ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: PH. Hân

Đối với địa bàn có nguy cơ, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Địa bàn có mức nguy cơ thấp tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề xuất dựa trên các mức độ nguy cơ, các địa phương có thể chia làm 2 đợt tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đợt 1 (từ ngày 9 đến 10-8-2020) dành cho địa phương an toàn và cam kết an toàn. Đợt 2 là những địa phương chưa an toàn, có nguy cơ cao (Đà Nẵng, Quảng Nam). Trong đó, thí sinh thuộc diện F1, F2 ở các địa phương không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng sẽ vẫn được tổ chức thi cùng với đợt thi của Đà Nẵng, Quảng Nam.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ đánh giá cao các nhà hảo tâm, trong đó có các doanh nghiệp, dù gặp khó khăn do Covid-19, nhưng vẫn tiếp tục có sự đồng hành trong phòng chống dịch thông qua hỗ trợ vật chất, thiết bị y tế để phòng, chống dịch. Do đó, công tác tuyên truyền cần tiếp tục làm tốt để nhân dân ủng hộ, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo hàng hóa cho những vùng cách ly xã hội, có các biện pháp ứng phó mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao báo cáo, quan điểm định hướng của các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đồng thời biểu dương sự cố gắng của ngành y tế, thống nhất đề xuất của Bộ Y tế. Đặc biệt lưu ý, nếu không khoanh vùng, không có biện pháp dập dịch kịp thời, dịch Covid-19 sẽ lan rộng. Do đó, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và không hoang mang, dao động. Các cấp ủy Đảng hãy vào cuộc quyết liệt với tinh thần kiên quyết, thần tốc, tranh thủ truy vết, xét nghiệm trên diện rộng.

Các bộ ngành nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe; tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp tung tin giả mạo tình hình dịch Covid-19; kiểm soát việc nhập cảnh, lưu trú trái phép; giải quyết các vướng mắc trong thực hiện gói an sinh xã hội. Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Các địa phương chưa giãn cách xã hội phải đảm bảo tình hình sản xuất, kinh doanh, ổn định trật tự xã hội; khuyến cáo chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi; khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng phần mềm khai báo y tế; ứng dụng công nghệ số cho phù hợp với tình hình thực tế; có biện pháp quản lý tốt không để xảy ra ổ dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế; cần tính toán chặt chẽ khi quyết định cách ly xã hội.

Dự kiến, Chính phủ sẽ thay đổi Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 19 cho phù hợp với tình hình hiện nay tại Việt Nam.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Phan Ngân Cách đây 17 năm

    Mong rằng cả xã hội, cộng đồng cùng chung tay vượt qua đại dịch. Ổn định nền kinh tế<br />