Xây dựng mô hình điểm về du lịch cộng đồng

31/05/2023 - 05:18

BDK - Thời gian qua, các hoạt động du lịch (DL) cộng đồng (CĐ) của tỉnh còn đang trong quá trình phát triển, chủ yếu tại các xã phía Nam TP. Bến Tre, 8 xã ven sông Tiền, huyện Châu Thành, các xã khu vực Làng Văn hóa DL huyện Chợ Lách, xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm), An Hiệp, Bảo Thuận (Cồn Nhàn), Tân Mỹ (Ba Tri), Tam Hiệp (Bình Đại)… Bên cạnh những yếu tố mới mẻ, đột phá thì thực tế nhìn chung, do nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, năng lực, các hoạt động DLCĐ trên địa bàn tỉnh còn cần được củng cố và tổ chức thực hiện một cách bài bản, hiệu quả hơn.

Du khách xem người dân làm nghề đan rổ tại Nông trại Hải Vân.

Phát triển mô hình điểm

DLCĐ trên địa bàn tỉnh hình thành và phát triển khá nhiều, đã và đang góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống CĐ dân cư, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Bến Tre. Để hoạt động DLCĐ trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng, đồng bộ, chuyên nghiệp, đồng thời đảm bảo mang lại lợi ích và nâng cao thu nhập cho CĐ tham gia hoạt động DL, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 2). Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025 với mô hình “Phát triển DL nông thôn theo hướng DL xanh gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý CĐ tại xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri”, thí điểm tại điểm DL sinh thái Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ.

Giá trị mang lại từ phát triển DL nông thôn là góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, phong tục tập quán của người dân bản địa, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng môi trường DL thân thiện gắn với phát triển DL nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả về lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương tạo thành sản phẩm DL phục vụ du khách. Mô hình thí điểm cũng hướng tới xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gắn với định hướng nâng cao chất lượng, tính bền vững của sản phẩm OCOP, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu địa phương, chế biến quy mô nhỏ và vừa, nâng cao năng lực quản lý của CĐ.

Nội dung chính của mô hình gồm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển DL nông thôn theo hướng DL xanh, gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý CĐ. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển DLCĐ, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nghiệp vụ DL cho lực lượng lao động và CĐ, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL như: đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội về giao thông, điện, nước, viễn thông, phát triển website, bản đồ DL số, phát triển cảnh quan xanh, sạch, đầu tư, nâng cấp hệ thống phục vụ DL, thân thiện với môi trường. Một số hạng mục quan trọng sẽ được đầu tư khi xây dựng mô hình gồm: cơ sở hạ tầng (khu lưu trú CĐ, nhà sự kiện, nhà trải nghiệm ẩm thực CĐ), nhà trưng bày, trình diễn, giới thiệu và thương mại các sản phẩm OCOP CĐ, không gian lưu trữ văn hóa, kinh tế, lịch sử CĐ, cảnh quan, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ số. Các hạng mục sử dụng nguồn kinh phí từ nguồn vốn Trung ương, địa phương và vốn doanh nghiệp đối ứng.

Quy tụ cộng đồng dân cư tham gia

Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ là điểm DL duy nhất của tỉnh được công nhận đạt chuẩn sản phẩm DL OCOP 4 sao vào năm 2022, được chọn làm điểm triển khai mô hình. Hiện tại sản phẩm DL gắn với CĐ tại nông trại đa dạng như: các chương trình giáo dục trải nghiệm, các hoạt động hội thảo, hội nghị, cắm trại, lửa trại, lưu trú, trải nghiệm nông trại dừa, thưởng ngoạn sông Ba Lai, khám phá sân chim Vàm Hồ, ẩm thực địa phương.

Giám đốc điểm DL sinh thái Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ Đoàn Thị Mỹ Nhu cho biết: Sản phẩm DL của điểm được xây dựng trên phương châm phát triển DL sinh thái mang tính CĐ gắn với DL trải nghiệm và văn hóa nông nghiệp xứ Dừa. Trên cơ sở đó, thời gian qua, nông trại đã hình thành được sản phẩm DL đặc trưng mang đặc điểm văn hóa CĐ, phát triển được mạng lưới liên kết gồm lao động địa phương đa ngành nghề cùng với nhiều hợp tác xã nông nghiệp, nghệ nhân dân gian, ẩm thực xứ Dừa và xây dựng được các tour liên huyện, liên tỉnh, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tại điểm đã hình thành không gian chung để người nông dân, người làm nghề, nghệ nhân tại địa phương trình diễn làm nghề truyền thống (đan đát, tráng bánh, thắt lá dừa, làm bánh dân gian…), kết nối, giao lưu với du khách, kết hợp bán sản phẩm của chính họ làm ra. Hiện tại, nông trại liên kết 5 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, nghệ thuật để giao lưu, kết nối với du khách như: CLB Nói thơ Vân Tiên, CLB Thơ Ba Tri, CLB Đờn ca tài tử, CLB Thư pháp Trúc Giang, kết nối 4 hợp tác xã nông nghiệp để giới thiệu sản phẩm OCOP đến với du khách.

Với sản phẩm DL được xây dựng toàn diện từ vui chơi tập thể, khám phá trải nghiệm thiên nhiên (rừng, sông, làm nông), làm nghề truyền thống, các hoạt động văn hóa địa phương (nói thơ Vân Tiên, đọc thơ, thư pháp…), ẩm thực cùng với đội ngũ hướng dẫn viên, người lao động địa phương đã đem đến cho du khách trải nghiệm khá đầy đủ về văn hóa bản địa. Thông qua việc kết nối với DL, các sản phẩm địa phương có cơ hội đi xa hơn khi doanh nghiệp tham gia các hoạt động DL ngoài tỉnh.

Được bộ, ngành Trung ương và địa phương chọn để xây dựng mô hình điểm về DLCĐ là cơ hội phát triển không chỉ riêng cho điểm DL mà còn là nguồn đầu tư quan trọng để tạo động lực thúc đẩy phát triển sản phẩm DLCĐ cũng như các sản phẩm OCOP của tỉnh nhà. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh thích ứng để bình thường mới. Tăng cường sự tương tác trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân xứ Dừa. xây dựng và phát triển mô hình DLCĐ gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN