Xây dựng Kho bạc số và chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030

18/04/2023 - 10:12

BDK.VN - Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13-4-2022. Để thực hiện thành công chiến lược, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2222/QĐ/BTC ngày 4-11-2022 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước Mỏ Cày Bắc hướng dẫn giao dịch viên tiếp nhận chứng từ trên Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước.

Mục tiêu của chiến lược

Mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 là xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Quá trình thực hiện chuyển đổi từng phần, số hóa theo quy trình; đến năm 2025, KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số; sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.

Kho bạc số là mô hình kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số, được tổ chức và hoạt động nhằm tận dụng các ưu thế của dữ liệu số trong việc tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của KBNN. Khi chuyển đổi số thành công, kho bạc số có khả năng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho của cá nhân, tổ chức. Về cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử.

6 nhóm nhiệm vụ cụ thể

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, tại Quyết định số 6219/QĐ-KBNN ngày 1-12-2022 của Tổng giám đốc KBNN (Quyết định số 6219) đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2030. Đó là: (1) Cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước. (2) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số. (3) Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. (4) Chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc. (5) Hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra. (6) Triển khai kiểm toán nội bộ và các nhiệm vụ khác.

Hiện nay, KBNN đang ở giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số. Hệ thống KBNN đã và đang triển khai các nhiệm vụ, đề án theo từng giai đoạn gắn với 6 nhóm nhiệm vụ nêu tại Quyết định số 6219/QĐ-KBNN như: Định danh từng khoản thu NSNN; mở rộng sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; đổi mới cơ chế quản lý cam kết chi NSNN; số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, thực hiện chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN; phân cấp kiểm soát chi NSNN theo mức độ rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng các hình thức, phương thức thanh toán điện tử trong chi trả NSNN cho các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các phương thức áp dụng đối với các đối tượng thụ hưởng ở vùng sâu, vùng xa hoặc không có tài khoản ngân hàng; hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN; hoàn thiện quy trình tổng hợp, lập và trình báo cáo tài chính nhà nước; hoàn thiện cơ chế, quy trình tổng hợp, lập và trình báo cáo quyết toán NSNN…

Mặt khác, KBNN cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN tới năm 2030, bảo đảm rõ ràng và thống nhất với các chương trình hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành có liên quan. Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện. Quy định rõ chế độ báo cáo, tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN. Đồng thời, chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị KBNN bám sát mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu của chiến lược phát triển KBNN, chủ động xây dựng lộ trình và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng chương trình hành động đã được đề ra. Định kỳ hàng năm có báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Phát triển kho bạc số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu để phát triển hệ thống KBNN hiện đại, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 18-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan; phù hợp với nhu cầu và lợi ích của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quá trình chuyển đổi công nghệ số ở Việt Nam.

Bài, ảnh: Thanh Đoàn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN