|
Mô hình đường từ cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định, TP. Bến Tre. Ảnh chụp lại |
(Bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây)
Sáng 5-7-2010, tại xã Hữu Định (Châu Thành) sẽ diễn ra lễ khởi công xây dựng công trình đường từ cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định (đường giao thông phục vụ khu công nghiệp và cảng Giao Long), tỉnh Bến Tre. Đây là công trình giao thông trọng điểm được tiến hành thi công trong năm 2010, với tổng số vốn đầu tư 662 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Thái Xây - Chủ tịch UBND tỉnh phấn khởi cho biết:
- Những năm qua, mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tỉnh nhà không ngừng được đầu tư xây dựng, phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật có thể kể: quốc lộ 60, 57, đường tỉnh 883, 885… Đặc biệt là việc hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông đã tạo ra mạch máu lưu thông thông suốt, đưa Bến Tre hòa nhịp cùng với sự phát triển các tỉnh, thành trong khu vực.
Việc quyết định phê duyệt đầu tư công trình đường từ cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định sẽ tạo được thế khép kín và liên hoàn trong giao thông trên địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, đảm bảo việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nối liền từ cảng Giao Long đến khu chuyển tải hàng hóa Hàm Luông. Đồng thời, công trình hoàn thành sẽ góp phần tạo thêm diện mạo cho thành phố Bến Tre về mở rộng không gian đô thị; khơi dậy tiềm năng và phát huy nội lực cho khu vực, thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp việc giao lưu kinh tế, văn hóa, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Thưa đồng chí Chủ tịch, được biết đây là công trình có qui mô lớn của tỉnh được tiến hành theo phương thức vừa khởi công xây dựng, vừa thực hiện giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng. Như vậy, cách làm đó có mang tính chủ quan và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hay không?
- Chủ trương tiến hành khởi công xây dựng cùng lúc với giải tỏa, bàn giao mặt bằng, không phải chúng ta chưa làm. Các dự án lớn như cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, chúng ta đều làm vậy. Đó là một nét mới, thể hiện bản lĩnh, ý chí và quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà luôn chung sức, chung lòng trong xây dựng quê hương. Căn cứ vào định hướng qui hoạch của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chức năng đã thảo luận bàn bạc, cân nhắc tính toán sao cho khoa học, phù hợp với điều kiện khách quan, xuất phát từ những cơ sở là: Thời điểm khởi công công trình vô cùng có ý nghĩa, chào mừng Đại hội Đảng cấp cơ sở và huyện (thành phố), tiến tới Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ IX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; nguồn vốn 100% từ trái phiếu Chính phủ đã được phê duyệt, dự toán giải ngân trong tài khóa 2011-2015; đáp ứng càng sớm càng tốt yêu cầu vận tải hàng hóa, lưu lượng giao thông từ cảng Giao Long và khu công nghiệp về thành phố Bến Tre.
Và như vậy, tôi khẳng định rằng hoàn toàn không mang tính chủ quan áp đặt, không gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của người dân trong diện giải tỏa. Trái lại, việc vừa khởi công, vừa bắt tay vào kê biên đo đạc, áp giá, giải phóng mặt bằng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai phía. Đối với nhà đầu tư, thời gian thi công sẽ rút ngắn hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí trong công tác quản lý, bảo quản phương tiện kỹ thuật, nguyên vật liệu phục vụ công trình, hiệu quả đem lại tất nhiên sẽ cao hơn. Đối với người dân, ngoài việc sớm nhận được tiền đền bù giải tỏa, nhanh chóng ổn định cuộc sống, còn được hưởng những lợi ích khác như: tiền nhận được sẽ thỏa đáng so với giá trị đất bình thường; giá trị sinh lợi đất tại chỗ nơi công trình đi qua sẽ tăng lên, mở ra nhiều cơ hội làm ăn khi được đô thị hóa… Với những lợi ích thiết thực nêu trên, tôi tin rằng người dân sẽ đồng thuận cao và hợp tác tích cực trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đối với những công trình có dính đến giải tỏa đền bù, thì nội dung được người dân quan tâm hơn cả là mức áp giá và vấn đề tái định cư sẽ được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
- Công tác giải tỏa đền bù sẽ được thực hiện đảm bảo đúng theo các bước thủ tục qui định, trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Mức giá được áp dụng căn cứ theo Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 12-5-2010 của UBND tỉnh về việc quyết định ban hành qui định về chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Vấn đề tái định cư, ổn định cuộc sống người dân sau khi bị giải tỏa là nội dung được quan tâm hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dù lớn hay nhỏ. Rút kinh nghiệm từ những dự án trước, với điều kiện là địa bàn nông thôn, số hộ bị giải tỏa trắng không nhiều, nên chủ trương chung là khuyến khích người dân tự tái định cư, dựa vào hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ họ hàng, làng xóm, điều kiện kinh tế để tự quyết định nơi ở mới. Như vậy sẽ tránh được những bất tiện, nhất là sự thay đổi quá đột ngột về môi trường, thói quen sinh hoạt lâu nay của từng hộ gia đình.
Những trường hợp bị giải tỏa trắng, không thể tự tìm chỗ ở, nếu có yêu cầu, Ban bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng của huyện (thành phố) sẽ xem xét, thỏa thuận các phương án để đề xuất UBND tỉnh phê duyệt, bố trí vào các khu dân cư thích hợp trên địa bàn tỉnh.
Thưa đồng chí, là một công trình mang nhiều ý nghĩa to lớn, vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể sẽ có trách nhiệm như thế nào để góp phần đảm bảo sự thành công chung?
- Các công trình dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông nói chung, đường từ cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định nói riêng, là đều nhằm phục vụ cho mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đòi hỏi có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể phải quan tâm phối hợp, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác triển khai quán triệt, phổ biến đầy đủ và kịp thời về chủ trương, chế độ, chính sách; phân công cán bộ theo dõi sát diễn biến tư tưởng, thái độ, tình cảm của người dân; kiên trì lắng nghe những kiến nghị chính đáng. Đồng thời, phát hiện kịp thời những trường hợp có biểu hiện bất thường, lệch lạc về nhận thức, đi ngược với chủ trương, để có biện pháp tiếp cận, vận động giáo dục, ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tôi mong muốn từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người dân nơi công trình đi qua thể hiện việc chấp hành chủ trương, chính sách bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Đó là phải tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp tích cực cùng các đơn vị chức năng trong việc đo đạc, kê biên, ký tên vào biên bản sau khi thấy rõ các quyền lợi được đảm bảo ở mức thỏa đáng; tránh những đòi hỏi vô lý, không phù hợp với thực tế. Nếu có gì chưa thông hiểu, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phản ánh nhanh chóng, trung thực, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, bàn giao mặt bằng đúng thời gian qui định.
Xin chân thành cám ơn và chúc sức khỏe đồng chí!
Vài nét về qui mô công trình
- Địa điểm xây dựng được xác định là huyện Châu Thành (gồm 4 xã: Giao Long, An Phước, Phước Thạnh và Hữu Định) và thành phố Bến Tre (xã Phú Hưng). Tổng diện tích đất sử dụng phục vụ cho công trình là 27 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 662,240 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ.
- Hướng tuyến: bắt đầu từ đường vào cảng Giao Long giao với đường tỉnh 883, đi tránh về phía bên trái khu Nghĩa trang tỉnh Bến Tre và Trường THPT Võ Trường Toản đến giao với đường Nguyễn Thị Định.
- Phần đường: thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng; vận tốc thiết kế 100km/h, tải trọng thiết kế 12 tấn; tổng chiều dài thiết kế 5.367,69m; bề rộng nền đường 32,5m. Phần cầu vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực; mặt cắt ngang gồm hai cầu đặt song song cách nhau 2m, khổ cầu 12m.
- Thời gian thực hiện dự án không quá 4 năm, tính từ ngày khởi công xây dựng. Chủ đầu tư: Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bến Tre. |