Công trình giao thông nông thôn tại xã Phú Long, huyện Bình Đại sử dụng vốn giảm nghèo giúp bà con thuận tiện đi lại, canh tác đất đai.
Người dân phấn khởi
Tỉnh có 21 xã đạt tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Với người dân xã đảo Hưng Phong (thường gọi là cồn Ốc), huyện Giồng Trôm, các công trình đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững đã giúp nhiều hộ dân phấn khởi làm ăn.
Xã đảo Hưng Phong hiện có 3 công trình giao thông nông thôn từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững, gồm: ĐC.02, ĐC.03 và ĐC.05 được thực hiện hoàn thành. Ông Trần Văn Võ, ngụ ấp Hưng Long, xã Hưng Phong cho hay: “Trước đây đường ĐC.02 ở ấp Hưng Long lầy lội khó đi, nước ngập tới đầu gối. Năm 2022, Hưng Phong được công nhận xã đảo. Nhà nước đầu tư vốn làm đường giao thông nông thôn. Người dân chúng tôi phấn khởi hiến đất, hoa màu để làm đường bê-tông khang trang sạch đẹp cho người dân, học sinh đi lại dễ dàng. Nhờ con đường mà dừa tôi bán cũng lên giá hơn so trước đây. Mạnh thường quân cho thêm 7 bóng đèn năng lượng thắp sáng con lộ vào ban đêm...”.
Năm 2023, từ nguồn vốn đầu tư công thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững, Hưng Phong tiếp tục thực hiện 3 công trình, gồm: cầu Rạch Thóc, đường ĐC.01 và cải tạo hội trường UBND xã thành hội trường văn hóa xã, xây dựng các phòng chức năng và các hạng mục phụ. Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phong Nguyễn Thanh Liêm cho biết: Khi được nhận nguồn vốn từ CTMTQG giảm nghèo bền vững, Hưng Phong đã lựa chọn danh mục 6 công trình để thực hiện. Danh mục công trình này được công khai trong dân về chủ trương thực hiện. Người dân rất phấn khởi vui mừng, hiến đất đai, hoa màu thực hiện. 3/6 công trình đã hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hiệu quả của nguồn vốn
Nhà nước hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven biển và hải đảo, từng bước nâng cao và ổn định đời sống, góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo trên địa bàn và giữ vững quốc phòng an ninh vùng biển.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, trong hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, tỉnh đã thực hiện 7 công trình chuyển tiếp và triển khai 42 công trình khởi công mới trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển giai đoạn 2021 - 2025 tại các huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Tổng kinh phí 130 tỷ đồng, chủ yếu là đường giao thông nông thôn. Cuối năm 2022, các công trình cơ bản hoàn thành và tỷ lệ giải ngân đạt trên 95,59%.
Ông Võ Thành Công, ngụ xã Phú Long, huyện Bình Đại đã hiến gần 2ha đất cho xã Phú Long để làm cầu, lộ giao thông nông thôn, trong đó có công trình đường bê-tông ĐA.07 (liên ấp Giồng Tre - Ao Vuông) sử dụng vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững. Ông Võ Thành Công chia sẻ: “Tôi và bà con ở xã rất đồng tình hiến đất để làm đường cho bà con đi lại, ra đồng canh tác. Đại đa số bà con sinh sống nơi được chọn đầu tư thực hiện công trình vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững - đều là hộ gia đình kinh tế trung bình khá trở xuống. Nếu không được đầu tư đường sá đi lại, canh tác thì bà con sẽ bỏ đất mà đi. Kinh tế phát triển giúp người dân địa phương có công ăn việc làm, lợi ích của công trình là cho toàn xã hội”.
Nói về hiệu quả vốn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xã bãi ngang, Chủ tịch UBND xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại Trương Công Lý cho rằng: “Địa phương rất phấn khởi khi được nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững đầu tư tuyến đường Đê Tây dài 1,685km và đường ĐC.09 dài 1,452km. Hai tuyến đường này vừa phục vụ phát triển kinh tế thủy sản cho địa phương vừa góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân ấp Bình Lộc nói riêng và xã Đại Hòa Lộc nói chung. Năm 2023, xã tiếp tục thực hiện 1 tuyến đường nữa dài 1,14km từ nguồn vốn nói trên. Khi 3 tuyến đường này hoàn thành, sẽ giúp kinh tế địa phương vươn lên thoát nghèo, đồng thời giúp xã Đại Hòa Lộc xây dựng thành công xã nông thôn mới trong năm 2024”.
Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các chính sách, dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển (công trình đầu tư cấp xã, liên xã) phục vụ dân sinh, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tại vốn ngân sách Trung ương cho CTMTQG giảm nghèo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với xã bãi ngang bình quân 3 tỷ đồng/năm, xã đảo 4,5 tỷ đồng/năm. Theo quy định, các công trình thiết yếu này phải lấy ý kiến người dân trước khi đưa vào danh mục đầu tư, để công trình đạt hiệu quả an sinh xã hội cao nhất. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo