Xây dựng đô thị loại I, thành phố thông minh

04/02/2021 - 20:52

BDK - TP. Bến Tre được công nhận đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2019. Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ TP. Bến Tre và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2030. Đồng thời, xác định chuyển đổi số là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đây là điều kiện cho TP. Bến Tre phát triển đột phá để đạt các mục tiêu trên gắn với mô hình thành phố thông minh, xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền điện tử.

Đón nhận bằng công nhận “Thành phố văn minh đô thị”. Ảnh: H. Hiệp

Đô thị loại I - thông minh

TP. Bến Tre đã và đang thu hút rất nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô lớn, với tổng diện tích hơn 2.000ha. Trong đó, có 6 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư và đang triển khai thực hiện với diện tích 122ha; 10 dự án đã thông qua Nghị quyết HĐND về phương án đề xuất dự án với diện tích 1.800ha, 5 dự án UBND tỉnh đã cho chủ trương khảo sát với diện tích 125ha và nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ thương mại, công nghệ thông tin đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn thành phố, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Để xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp thu hút, tăng nhanh quy mô dân số và mật độ dân số đô thị. Theo đó, sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển đô thị, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, các loại hình thương mại - dịch vụ gắn với phát triển du lịch, công nghiệp và xây dựng. Đặc biệt, quan tâm các dự án quy mô lớn như: Khu đô thị phía Nam TP. Bến Tre (40,47ha), khu đô thị mới - đô thị sinh thái Bến Tre (87,4ha), khu đô thị mới phía Tây (406ha), khu đô thị Tây Bắc (491,19ha), khu đô thị nông nghiệp thông minh - công nghiệp sạch và dịch vụ du lịch tổng hợp (5.300ha, trong đó TP. Bến Tre khoảng 560ha). Chuyển 4 xã thành phường (Mỹ Thạnh An, Bình Phú, Sơn Đông, Phú Hưng).

Hiện nay, TP. Bến Tre đã đầu tư xây dựng hoàn thành phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thông minh được thiết kế mở, có khả năng kết nối, tích hợp nhiều dịch vụ số là nền tảng hình thành Trung tâm Điều hành thông tin tập trung đa nhiệm (IOC) của TP. Bến Tre. Đến nay đã triển khai dự án “Cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ứng dụng công nghệ IOT - Nền tảng xây dựng thành phố thông minh” (sử dụng mạng truyền thông của hệ thống đèn đường làm nền tảng). Đồng thời, triển khai thí điểm phần mềm quản lý phản ánh tương tác hiện trường và tương tác trực tuyến với 4 nhóm vấn đề về rác thải; tập trung mua bán lấn chiếm đường phố, trật tự xây dựng; quảng cáo, rao vặt trái phép; hệ thống 3 camera giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông… đã được kết nối với phòng điều khiển.

Chính quyền đô thị - điện tử

Để triển khai thực hiện xây dựng mô hình đô thị thông minh, hiện đại hóa điều hành, quản lý và triển khai thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng TP. Bến Tre là đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ lựa chọn 5 lĩnh vực tập trung thực hiện gồm: chính quyền số, quản lý môi trường, quản lý thông tin đất đai, quản lý an ninh trật tự - an toàn giao thông và quản lý chiếu sáng thông minh. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tập trung cho các lĩnh vực còn lại. Đồng thời, tất cả các lĩnh vực sau khi triển khai thực hiện sẽ được kết nối vào Trung tâm Điều hành thông tin tập trung đa nhiệm (IOC) của TP. Bến Tre để xử lý thông tin phục vụ cho công tác điều hành và quản lý chung của thành phố. Đến năm 2030, TP. Bến Tre sẽ cơ bản đạt được mô hình đô thị thông minh.

Mô hình chính quyền đô thị, TP. Bến Tre sẽ rà soát, sắp xếp, sáp nhập lại một số cơ quan chuyên môn hợp lý, tránh trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của thành phố. Có cơ chế tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ công chức có tính ổn định, chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các cấp chính quyền đô thị từ cơ sở đến thành phố, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, nhanh nhạy. Xây dựng chính quyền đô thị cũng không nằm ngoài mục đích là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tối ưu hóa lợi ích của người dân. Do đó, các chủ trương, chính sách phải được rà soát, công khai rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ thực hiện bằng nhiều hình thức, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, trung gian không cần thiết.

Thành phố sẽ tập trung thực hiện lĩnh vực dịch vụ công đối với các cơ quan nhà nước. Thực hiện niêm yết công khai quy trình thủ tục trên Cổng thông tin điện tử; thống nhất quy trình, thành phần, số lượng hồ sơ tiếp nhận, đảm bảo đúng quy định. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn cụ thể cho người dân, doanh nghiệp về cách thức thực hiện; chủ động theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện. Từ đó, kịp thời điều chỉnh, phân công lại một số chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban, bộ phận có liên quan nhằm đảm bảo việc thực hiện phối hợp hài hòa, thông suốt, có kiểm soát giữa các phòng, ban và bộ phận chức năng, đạt mục tiêu chất lượng giải quyết hồ sơ tốt và đúng hạn.

“Xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Nếu xây dựng đô thị loại I là cơ sở vững chắc để hình thành và phát triển đô thị thông minh được quản lý bằng chính quyền đô thị và chính quyền điện tử, thì đô thị thông minh có sự quản lý của chính quyền đô thị và chính quyền điện tử sẽ là động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị loại I. Vì vậy, Đảng bộ sẽ tiếp tục phát huy tinh thần năng động, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên”.

(Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn)

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN