Xây dựng Đề án Chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2020 - 2025

20/07/2020 - 06:55

BDK - Đề án Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030 được tập trung xây dựng, hiện đang trong quá trình hoàn thiện, trình phê duyệt. “Với quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu về thí điểm triển khai đề án này, Bến Tre sẽ sớm trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS của khu vực và cả nước thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự hoan nghênh.

Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2020 - 2021. Ảnh: C. Trúc

Chuyển đổi lên không gian mạng

Trong xu thế hiện nay, không gian mạng được coi là không gian sống thứ 5 của con người. Công cuộc chuyển đổi từ không gian truyền thống lên không gian mạng gọi là CĐS.

Thực tế công nghệ CĐS đã diễn ra từ lâu, làn sóng công nghệ cứ 15 năm 1 lần. Riêng giai đoạn từ năm 2015 đến nay, công nghệ cho phép người ta số hóa toàn bộ cả một cơ quan tổ chức, đưa toàn bộ cơ quan tổ chức đó từ môi trường truyền thống lên môi trường mạng. Đề án CĐS quốc gia nhằm mục tiêu đẩy nhanh hơn tiến trình CĐS một cơ quan tổ chức lên môi trường số. CĐS tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho tất cả các bộ, ngành, địa phương cũng như cho cả quốc gia.

Trong chương trình CĐS quốc gia, Chính phủ đã xác định 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi một trụ cột đặt ra các nhóm mục tiêu. Người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính hoàn toàn trên mạng. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu là mỗi người dân một điện thoại thông minh, nâng cao việc thanh toán điện tử.

CĐS bắt đầu từ nhận thức là chuyển từ một môi trường cũ sang một môi trường mới. Vì vậy, sẽ phụ thuộc vào việc cần chấp nhận cái mới, vào ý chí, quyết tâm của người đứng đầu; vào chính sách, thể chế của mỗi ngành địa phương. Công thức CĐS cho địa phương gồm 3 yếu tố: xây dựng và phát triển chính quyền số, CĐS trong một số lĩnh vực và kèm theo đó phát triển lực lượng công nghệ số đông đảo tại địa phương. Trong đó, chính quyền số sẽ cung cấp nền tảng cho người dân và doanh nghiệp (DN); hướng đến người dân, DN. Qua đó, nhằm cung cấp dịch vụ cho người dân và DN một cách nhanh nhất, công khai, minh bạch nhất.

Tiên phong thí điểm

Theo dự thảo Đề án CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, theo đó, kinh tế số chiếm 10% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 5%; Bến Tre thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về công nghệ thông tin.

Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phát triển dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%... Đến năm 2030, Bến Tre trở thành một trong những tỉnh tiên phong trong CĐS, phát triển các nội dung số trong chuỗi công viên phần mềm của tỉnh, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Sự thay đổi về phát triển hạ tầng cho CĐS sẽ nhắm tới 3 mũi nhọn: Hạ tầng công nghệ thông tin sẽ chuyển dịch sang hướng tận dụng đám mây (Cloud) và kiến trúc siêu hội tụ (Hyperconvergence). Mạng di động 4G sẽ trở thành phổ biến với định hướng dừng cung cấp 2G và 3G trong thời gian tới của Bộ TT&TT, việc thử nghiệm 5G sẽ sớm có kết quả tốt để đưa vào vận hành, trở thành một nền tảng truyền thông quan trọng của kỷ nguyên số.

Hạ tầng IoT, cùng với sự phát triển của 5G, sẽ có nhiều thay đổi lớn. Theo một khảo sát gần đây, 89% người được hỏi tin rằng đến năm 2025 sẽ có khoảng 1 ngàn tỷ cảm biến kết nối với Internet. Hạ tầng IoT của Bến Tre cũng sẽ không nằm ngoài xu thế chung này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý cụ thể: “Trong CĐS, đề nghị tỉnh tập trung thanh toán di động, bảo hiểm xã hội, thương mại điện tử… Tỉnh phải làm việc trực tiếp với các DN đặt ra kế hoạch, mục tiêu hàng năm về phát triển hạ tầng số. Đẩy mạnh chương trình mỗi người một chiếc điện thoại thông minh; sớm triển khai mạng 5G, trước hết triển khai thí điểm các trạm 5G tại các nhà máy, khu công nghiệp để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư mới; đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, 4… ”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Lực lượng chuyên gia trên lĩnh vực thông tin, công nghệ số trong nước hiện nay rất hùng mạnh. Vấn đề là chúng ta tạo môi trường để thu hút đội ngũ này về tham gia góp sức. Bộ TT&TT cũng khuyến nghị Bến Tre làm việc với Cục Viễn thông về đẩy mạnh chương trình mỗi người dân một chiếc Smartphone, mỗi hộ gia đình một đường truyền cáp quang. Bộ sẵn sàng đứng ra hỗ trợ và kêu gọi nguồn lực giúp Bến Tre.

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống công nghệ thông tin, tỉnh cần dành ít nhất 10% ngân sách công nghệ thông tin cho an toàn an ninh mạng. Hệ thống này phải được bảo vệ tốt. Nếu muốn đi đầu về công nghệ, Bến Tre cần dành khoảng 1 - 2% ngân sách của tỉnh cho công nghệ thông tin.

“Đề án Chuyển đổi số của Bến Tre nên tập trung vào một số nội dung quan trọng như: thanh toán di động, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, học trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chính quyền số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, sử dụng công nghệ số để giải bài toán xử lý ngập mặn”.

(Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng)

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN