|
Đội lân nữ huyện Giồng Trôm và trang phục mừng lễ hội Dừa trên đường phố Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Hải |
LTS: Nhân kỷ niệm 195 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh 1-7, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng, Báo Đồng Khởi phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phát huy các giá trị truyền thống văn hóa trong xây dựng và phát triển toàn diện con người Bến Tre”. Ban Tổ chức đã nhận được 12 tham luận của các đơn vị, địa phương tham gia buổi tọa đàm, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20-6-2017.
Trong số báo này, xin trân trọng trích giới thiệu cùng bạn
đọc tham luận của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển
toàn diện.
Xây dựng con người bến
tre phát triển toàn diện
Trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước
và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng, tạo nên
nhân cách con người Việt Nam với các giá trị đạo đức vô cùng phong phú. Cùng với
thời gian, những giá trị đạo đức này được lưu truyền qua các thế hệ, trở thành
truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh và động lực của dân tộc. Hòa cùng với dòng chảy
lịch sử dân tộc, quê hương Bến Tre chứa đựng cả bề dày và sự phong phú, độc đáo
của vùng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phát huy được các giá trị
văn hóa mang bản sắc dân tộc. Những thế hệ con người Bến Tre mang trong mình
dòng máu của người Việt Nam với đầy đủ các giá trị đạo đức truyền thống: yêu
quê hương, đất nước; đoàn kết, anh dũng trong cải tạo thiên nhiên và chống giặc
ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; ham học hỏi và giàu lòng
nhân nghĩa, thủy chung, trọng nghĩa tình, trung thực...
Quá trình xây dựng môi trường văn hóa và con người Việt
Nam trong giai đoạn mới đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, việc
xây dựng gia đình văn hóa và giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa gia đình được
chú trọng; đa số gia đình ở Bến Tre đều giữ được truyền thống đoàn kết, nền nếp;
ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu ngoan hiền, xây dựng gia đình đầm ấm, tiến bộ,
tích cực tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; gìn giữ tình
làng, nghĩa xóm; giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn… Trên 90% hộ đạt chuẩn gia
đình văn hóa.
Tuy nhiên, do quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng,
bên cạnh mặt tích cực thì mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động xấu đến
quá trình xây dựng, phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn hiện nay. Về
xây dựng con người còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, đó là tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức và nhân dân. Biểu hiện là sự bàng quan về chính trị, sa sút ý
chí chiến đấu, thực hiện không nghiêm các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, chấp hành
chủ trương, nghị quyết chưa nghiêm, chưa đề cao ý thức hết lòng vì nước, vì
dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; làm việc cầm chừng, vi phạm
những điều đảng viên không được làm; một bộ phận nhân dân hình thành lối sống
hưởng thụ, thực dụng, xa hoa lãng phí, xa lạ với lối sống giản dị, tiết kiệm -
những phẩm chất truyền thống quý báu của con người Việt Nam.
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội
nghị Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt
Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến
Tre đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng
trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và phát triển toàn diện
con người Bến Tre. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng con người Bến Tre
có tình yêu đất nước, yêu quê hương, yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu lao động;
có đạo đức và lối sống tốt: trọng nghĩa, trọng tình, trọng chữ tín; tự tin, tự
lập, tự giác; cầu thị, cầu tiến, hướng thiện; trung thực, đoàn kết, cần cù,
sáng tạo; có kỹ năng sống, sức khỏe và tinh thần làm việc tốt. Xem đây là nhiệm
vụ, giải pháp mang tính bao trùm trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người
Bến Tre trong giai đoạn mới, có tính chiến lược, lâu dài; nhằm nâng cao nhận thức
của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của
xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Bến Tre, đặc biệt là xây dựng
môi trường văn hóa.
Đề xuất giải pháp
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm nói trên, xin đề
xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh
ủy chỉ đạo từng cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, địa phương đẩy mạnh
tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương,
nghị quyết của Đảng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán
bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời quan tâm chấn chỉnh, xây dựng môi trường văn
hóa lành mạnh và có nhiều giải pháp tích cực để đấu tranh loại bỏ các yếu tố
tiêu cực đang tồn tại làm vẩn đục môi trường văn hóa, gây tác hại, ảnh hưởng xấu
đến quá trình xây dựng và phát triển của con người Bến Tre trong giai đoạn mới.
Thứ hai, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị
tuyên truyền, triển khai, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị các nhiệm vụ trọng tâm nêu
trên, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách, lối sống
của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quy định đạo đức nghề nghiệp chuyên ngành và văn hóa ứng
xử trong đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bình xét các danh hiệu
thi đua của cơ quan, đơn vị hàng năm. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
trong các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… Cụ thể là đẩy mạnh phong trào
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nếp sống văn minh công sở. Xây dựng mối
quan hệ lành mạnh, trong sáng trong nội bộ và tôn trọng, lễ phép với nhân dân.
Thứ ba, đối các đoàn thể:
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai đến các cấp Hội và
toàn thể hội viên trong tỉnh, gắn với việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo
dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước”; cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; nuôi con khỏe,
dạy con ngoan... trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới và văn minh đô
thị.
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh triển khai đến các cấp bộ
Đoàn và trong toàn thể đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà, gắn với việc tổ chức các
hoạt động giáo dục truyền thống trong thanh thiếu niên trên địa bàn qua các chủ
đề: “Nghìn việc tốt”, “Học làm người có ích”, “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, “Học
làm con hiếu thảo”...
- Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh triển khai
sâu rộng đến các cấp Hội, trong toàn thể hội viên, gắn với phong trào thi đua
“Đồng khởi mới”, trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới và văn minh đô
thị.
- Phát huy vai trò các cấp Hội Người cao tuổi trong nêu
gương và phối hợp, tổ chức xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện gắn
với các tiêu chí, chuẩn mực “Tuổi cao, gương sáng”, “Cây cao, bóng cả”, “Người
tốt, việc tốt”, “Người lớn gương mẫu”, “Trẻ em chăm ngoan”.
- Liên đoàn Lao động tỉnh phát động gắn với hoạt động tổ
chức Công đoàn; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; gương mẫu trong nói
đi đôi với làm; có kỷ luật, năng động, tận tụy, giỏi chuyên môn, làm việc khoa
học, hết lòng phục vụ nhân dân; gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ
được giao; gương mẫu trong giáo dục con cái trong gia đình; gương mẫu về đạo đức,
lối sống và có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí, chuẩn mực cụ thể trong xây dựng
đời sống văn hóa như: “Người tốt, việc tốt”; “Người lớn gương mẫu”; xây dựng cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Thứ tư, đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức
không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nêu cao lòng trung thành với lý tưởng của Đảng;
rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống mà mục tiêu cơ bản là đăng ký học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể:
- Chấp hành tốt mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng,
chính sách và pháp luật của Nhà nước, xây dựng lối sống “Sống và làm việc theo
Hiến pháp và pháp luật”.
- Chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng và 19 điều đảng viên
không được làm. Thường xuyên tham gia sinh hoạt chi bộ Đảng, gương mẫu và tham
gia các phong trào quần chúng nơi cư trú để nhân dân noi theo.
- Quan tâm chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế gia đình,
xây dựng gia đình trở thành gia đình văn hóa tiêu biểu, ấm no, hạnh phúc.
Thứ năm, đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ
trang, gắn nội dung tiêu chí xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện với
các đức tính truyền thống của dân tộc, những đức tính về đạo đức của người Bến
Tre, những giá trị truyền thống, cách mạng của Công an, Quân đội, cùng với việc
thực hiện các cuộc vận động theo quy định chuyên ngành trong lực lượng vũ
trang, đặc biệt là phấn đấu học tập và làm theo những lời Bác Hồ dạy đối với lực
lượng vũ trang nhân dân, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tạo sự gắn
bó mật thiết giữa quân - dân.
Thứ sáu, đối với nhân dân, từng cá nhân cần nêu cao tinh
thần trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc. Trung thành với Tổ quốc; chấp
hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước
văn hóa, quy ước nông thôn. Ý thức trong việc chăm lo phát triển kinh tế gia
đình, giáo dục con cháu, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Tích cực tham gia
thực hiện các phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần xây dựng tổ nhân dân
tự quản, xây dựng khu phố, ấp văn hóa, xã văn hóa. Tích cực cùng cộng đồng bài
trừ các tệ nạn xã hội, tiêu cực xã hội.
Kết hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục trong giáo dục
thanh thiếu niên, học sinh.
- Nhà trường cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng,
đạo đức cho giáo viên, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng dạy thêm, học thêm trái
với quy định của ngành. Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng
tạo cho học sinh noi theo. Tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức, truyền thống
văn hóa, truyền thống cách mạng, nếp sống văn minh, giáo dục pháp luật, giáo dục
thẩm mỹ cho học sinh; giáo dục đạo làm con đối với cha mẹ, nghĩa vụ công dân đối
với Tổ quốc, xã hội, tình nghĩa thầy trò, để nhà trường thật sự là nơi dạy chữ,
dạy nghề và dạy làm người.
- Gia đình, song song với việc chăm lo phát triển kinh tế,
cần thật sự quan tâm giáo dục con cháu về truyền thống gia đình, gia tộc và
lòng hiếu thảo, đạo đức, giáo dục lối sống có văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật.
Trong gia đình, ông bà, cha mẹ gương mẫu, chăm lo, dạy dỗ con cháu điều hay, lẽ
phải, điều lễ nghĩa, biết thương yêu mọi người, biết nhường nhịn, thì chắc chắn
con cháu sẽ ngoan hiền, lễ nghĩa...
- Đối với xã hội,
MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hướng dẫn gắn
với tuyên truyền, vận động, lồng ghép việc xây dựng con người Bến Tre phát triển
toàn diện trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và văn
minh đô thị”. Quan tâm tạo môi trường và tổ chức các hoạt động chính trị, văn
hóa để tập hợp giáo dục và thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt. Thực
hiện tốt phong trào “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”.
Với nhiệm vụ, giải pháp xây dựng con người Bến Tre phát
triển toàn diện trong giai đoạn mới nêu trên, tin rằng toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân tỉnh nhà phát huy truyền thống quê hương Đồng khởi, với tinh thần “Đồng
khởi mới”, vận dụng phương châm “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Năng động - Đổi mới” đề ra trong Đại hội
X, cùng đồng hành trách nhiệm, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chuẩn mực,
tiêu chí cụ thể về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, để góp phần
thực hiện thắng lợi Chương trình hành động số 36, Chỉ thị số 11, đặc biệt là
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020).