Xây dựng chuỗi giá trị với 6 nông sản chủ lực

10/04/2023 - 05:26

BDK - Thời gian qua, huyện Ba Tri đã quan tâm, đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả. Huyện xây dựng, thực hiện hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp trên các sản phẩm chủ lực. Huyện tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị, với 6 nông sản chủ lực của huyện.

Sản xuất tôm - cá khô tại thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri. Ảnh: Trung Hiếu

Tổng đàn bò của huyện 105.288 con, trong đó, bò sữa 1.373 con. Huyện đã kiểm tra, đánh giá cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri” cho 6 cơ sở. Toàn huyện hiện có 57 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò (bò thịt, bò sữa, bò sinh sản). Huyện đã hỗ trợ nhà đầu tư lập dự án đầu tư trại bò sinh sản xã An Đức, An Hiệp và chợ đầu mối gia súc xã An Bình Tây. Xây dựng thí điểm vùng chăn nuôi tập trung gắn với phát triển “chuỗi giá trị bò” tại các xã. Ngoài ra, huyện còn có 1 hợp tác xã (HTX) Bò sữa Ba Tri hoạt động hiệu quả, với 96 thành viên, đã liên kết tiêu thụ với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk.

Tổng diện tích nuôi tôm thâm canh 1.700ha. Thực hiện mô hình tôm sinh thái (dự án WB9), đã hỗ trợ con giống cho 131 hộ dân, diện tích 347,2ha. Các hoạt động dự án 4 ngàn ha tôm công nghệ cao (CNC) tỉnh, trong đó chỉ tiêu huyện Ba Tri 500ha. Huyện đã tuyên truyền thực hiện kế hoạch phát triển nuôi tôm CNC tại xã Bảo Thuận; khảo sát xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung CNC đề nghị tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng 6 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 19,7km, nạo vét thủy lợi, đầu tư khoảng 24km đường dây trung thế và các trạm biến áp. Diện tích nuôi CNC hiện nay 280/500ha.

Diện tích nuôi nghêu của 3 HTX thủy sản khoảng 1.080ha; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho tổng số thành viên 10.064 hộ dân. Tiếp tục duy trì phát huy giấy chứng nhận tiêu chuẩn MSC.

 THT sản xuất tôm - cá khô An Thủy duy trì hoạt động ổn định. Các ngành chức năng luôn quan tâm hỗ trợ, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng chuyên môn hóa và đa dạng sản phẩm của làng nghề. Hiện huyện đang thực hiện thủ tục chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận tập thể “tôm khô - cá khô An Thủy” từ Hội Nghề cá tỉnh.

Tổng diện tích gieo trồng rau màu của huyện hàng năm khoảng 2.800ha. Tổng sản lượng rau hàng năm khoảng 45 ngàn tấn. Hiện nay, toàn huyện có 10 THT sản xuất rau, 1 doanh nghiệp sản xuất dưa lưới; trong đó, sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP là 1 THT, 1 doanh nghiệp; đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS là 2 THT. Các đơn vị sản xuất theo chứng nhận hữu cơ và VietGAP đều liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp (tổng diện tích tham gia liên kết khoảng 1,46ha), áp dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tổng diện tích sản xuất lúa đến năm 2022 còn 16.400ha. Sản lượng bình quân 86 ngàn tấn. Toàn huyện hiện có 24 THT sản xuất lúa. Huyện tiếp tục thực hiện liên chuỗi kết sản xuất và tiêu thụ 60ha lúa ST24 với HTX Nông nghiệp Phú Ngãi và doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn, An Phú Trung, Vĩnh Hòa, An Bình Tây và Phước Ngãi.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN