Học sinh tham gia hoạt động giáo dục truyền thống. Ảnh: Phan Hân
Giữ gìn giá trị cốt lõi
Ngày 1-6-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng VHHĐ. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra những chuyển biến tích cực về VHHĐ trong thời gian tới.
Tại hội nghị trực tuyến về “Đẩy mạnh công tác VHHĐ” do Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tháng 8-2022, PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nêu: VHHĐ (bao gồm VHUXHĐ) là hệ giá trị chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của người quản lý giáo dục, của giáo viên, học sinh trong giao tiếp với các thành viên trong nhà trường và xã hội.
PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng: “VHHĐ là môi trường văn hóa đặc biệt quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam thành những con người phát triển toàn diện, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức trách nhiệm. Nhiệm vụ trọng tâm xây dựng VHHĐ là xác định rõ hệ giá trị cốt lõi chuẩn mực VHHĐ Việt Nam thể hiện trong văn hóa dạy và học, trong văn hóa ứng xử chung trong các cặp quan hệ: thầy - trò, trò - trò, nhà quản lý giáo dục - thầy, cô giáo, nhà trường - phụ huynh, xã hội”.
Thực tế có thể thấy, xây dựng VHHĐ là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là giai đoạn bình thường mới của xã hội. Khi mà dịch Covid-19 tác động, học sinh phải học trực tuyến dài ngày đã tác động đến hệ thống kiến thức, cũng như tác động đến cảm xúc của các em. Việc học sinh vô lễ với giáo viên, hoặc mâu thuẫn giữa học sinh với nhau cũng là những biểu hiện cho sự bất ổn về tâm lý, cảm xúc. Ngoài ra, công nghệ cũng có mặt trái, tác động đến sức khỏe tinh thần, những kiểu phát ngôn trên mạng xã hội đã xâm nhập vào đời thực của các em như là những câu chửi, hay những câu hài tục tĩu.
PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng, để xây dựng thành công VHHĐ trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cần thống nhất nhận thức về văn hóa, văn hóa trong trường học; về vị trí, vai trò của văn hóa, VHHĐ. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, kỷ cương, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, để xây dựng hệ giá trị chuẩn VHHĐ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cũng cần xác định hệ thống các giải pháp về lãnh đạo, quản lý, xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp lý, các cơ chế, chính sách xây dựng VHHĐ. Cùng với đó, có giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách trực tiếp xây dựng VHHĐ, xác định rõ mức tăng nguồn lực cho xây dựng VHHĐ.
Các chuẩn mực ứng xử
Hiện nay, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các cơ sở giáo dục mầm non đã tổ chức hoạt động giáo dục ý thức về bản thân, khả năng nhận biết và thể hiện tình cảm, cảm xúc với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh. Đồng thời, tổ chức các hoạt động trải nghiệm phát triển kỹ năng. Từ đó, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền móng cho việc học tập, rèn luyện ở các cấp học tiếp theo. Các cơ sở GDPT triển khai dạy học môn Đạo đức, Giáo dục công dân với các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến. Trong chương trình GDPT mới, các hoạt động giáo dục tập trung vào hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống.
Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho biết: Ngành GD&ĐT đang triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong đó, có tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Bộ GD&ĐT xác định việc triển khai chương trình GDPT 2018 là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người.
Theo thầy Trương Văn Tuấn - giáo viên Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, học sinh ngày nay cũng được khuyến khích thể hiện cái tôi, thể hiện chính kiến của mình. Những em học sinh có ý thức tốt thì sẽ phát huy được quyền bày tỏ chính kiến, cái tôi cá nhân đúng chỗ, đúng lúc và tích cực. Một số em không nhận thức đúng về điều này thì có thể xảy ra tình trạng lạm dụng, đặt cái tôi của mình lên trên mà không nghĩ đến trách nhiệm, nghĩa vụ của người học sinh trong mối quan hệ với thầy cô, bạn bè và thậm chí là đối với gia đình mình. Khi đó giáo viên chính là người đầu tiên nhất phải hỗ trợ cho học sinh để điều chỉnh, khắc phục thái độ, hành động không phù hợp.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là giữa phụ huynh và giáo viên phải có sự chân thành, thẳng thắn với nhau. Phụ huynh cần hiểu những vất vả của giáo viên. Giáo viên khi trao đổi với phụ huynh về các lỗi sai của học sinh thì cũng theo hướng tìm hiểu thêm về hoàn cảnh, cùng chọn phương pháp giáo dục phù hợp, chứ không phải chỉ để “mắng vốn”. Giáo viên và phụ huynh cùng mở lòng với nhau thì việc giáo dục trẻ sẽ được tốt hơn. “Mỗi nhà trường cần xây dựng một hệ thống các quy tắc ứng xử ngay từ đầu, để khi xảy ra tình huống đặc biệt, mỗi giáo viên, nhân viên sẽ phản ứng theo đúng vai trò, trách nhiệm của mình và có sự phối hợp hỗ trợ nhau. Giáo viên sẽ không đơn độc, tình huống giữa giáo viên và học sinh cũng không trở nên xấu đi”, thầy Trương Văn Tuấn chia sẻ thêm.
Xây dựng VHHĐ là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ riêng ngành GD&ĐT mà là sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội để cùng nhau xây dựng hệ sinh thái, không gian văn hóa cho các em học sinh được phát triển toàn diện. Bên cạnh chức năng của ngành giáo dục, phụ huynh cũng có vai trò quan trọng. Với tất cả tình thương, trách nhiệm dành cho con cái, đôi khi trước áp lực của bối cảnh thực tế, phụ huynh cũng bối rối, không biết chọn phương thức nào là tốt cho con trước những biến đổi về tâm sinh lý, vô tình dẫn đến những diễn biến xấu, tình huống xấu mà khi phụ huynh đối mặt với nó thì cũng thấy rất tiếc.
Chị Nguyễn Phương Oanh, ngụ xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam có con trai đang học tiểu học, chị luôn dạy bảo con phải vâng lời thầy cô giáo. Vì thầy cô sẽ định hướng những kiến thức học tập và giáo dục đạo đức cho con nên người. Khi có vấn đề gì thắc mắc, chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi lại thầy cô, thầy cô sẽ giải đáp cho con. Đặc biệt, chị luôn dạy con phải lễ phép với người lớn, nhất là với thầy cô.
Chị Oanh cũng chia sẻ thêm, hiện nay, thông qua báo chí, chị thấy nhiều nơi xảy ra bạo lực học đường rất lấy làm e ngại. Chị cũng mong muốn ngành giáo dục và các ngành chức năng liên quan sẽ có những giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn cho môi trường giáo dục, làm sao thầy cô giáo và các con mỗi ngày đến trường đều là mỗi ngày vui và an toàn, dạy và học đạt hiệu quả cao nhất.
“VHHĐ gồm văn hóa ứng xử học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với gia đình và cộng đồng”.
(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)
|
A.Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân