Đẩy mạnh phát triển tỉnh về hướng Đông, bài 2

Xây dựng Ba Tri thành “trung tâm kinh tế, văn hóa biển”

19/11/2021 - 06:04

BDK - Ba Tri là một trong 3 huyện biển của tỉnh, nằm giữa sông Ba Lai và sông Hàm Luông, ở cuối dải cù lao Bảo, với diện tích tự nhiên khoảng 354,8km², dân số hơn 200 ngàn người. Huyện có 1 thị trấn và 22 xã, trong đó có 4 xã ven biển là An Thủy, Bảo Thạnh, Tân Thủy, Bảo Thuận với tổng chiều dài bờ biển gần 13km.

Thu hoạch nghêu tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri.

Dồn sức phát triển kinh tế

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Đại hội XII của Đảng bộ huyện đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 xây dựng huyện Ba Tri trở thành “trung tâm kinh tế, văn hóa biển”. Mục tiêu này sẽ kết nối với Thạnh Phú, Bình Đại và liên thông với tỉnh nhằm tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển.

Với khát vọng đưa kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương phát triển nhanh và bền vững, bằng quyết tâm chính trị, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu: tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện. Thực hiện đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn mới. Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển để phát triển du lịch gắn với chăm lo xây dựng văn hóa, con người Ba Tri đáp ứng yêu cầu mới. Bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Trên cơ sở tiếp thu, cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng chương trình hành động, bổ sung vào mục tiêu định hướng đến năm 2025 với nhiều nội dung quan trọng, bao quát nhất, đó là phấn đấu xây dựng thành công thị xã Ba Tri; đưa Ba Tri trở thành địa phương dẫn đầu về kinh tế biển của tỉnh vào năm 2030.

Để chọn điểm nhấn đầu tư phát triển, huyện xác định một số công trình, dự án trọng điểm như dự án điện gió V13-I, cảng cá, khu đô thị biển xã An Thủy. Xây dựng điểm du lịch tâm linh, khu resort ven biển, cụm du lịch ven biển xã Bảo Thuận; Cụm công nghiệp (CCN) và Khu dân cư xã Tân Xuân; CCN xã An Hòa Tây; các khu dân cư mới của thị trấn Ba Tri; Cụm du lịch sinh thái cộng đồng cù lao Đất, xã An Hiệp.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,86%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 34,54%; công nghiệp chiếm 30,82%; thương mại - dịch vụ chiếm 34,64%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 52,1 triệu đồng/người/năm. Hạ tầng giao thông được cải tạo, nâng cấp đầu tư đồng bộ, đảm bảo an toàn, thông suốt trên các tuyến giao thông, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy đạt 62%. Dự án điện năng lượng mới được triển khai, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt 99,98%. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đạt được nhiều kết quả đáng kể, là điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện. Hoạt động du lịch bước đầu phát triển khá tốt, công tác quảng bá được thực hiện với nhiều hoạt động phong phú.

Định hướng giải pháp

Phó chủ tịch UBND huyện Dương Văn Chương cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhất là xác định tập trung phát triển kinh tế biển gắn định hướng phát triển về hướng Đông của tỉnh, huyện đề ra các giải pháp tập trung. Đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên mời gọi đầu tư và khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản phục vụ phát triển kinh tế biển. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng CCN Thị trấn - An Đức, CCN An Hòa Tây, triển khai xây dựng CCN Tân Xuân. Ưu tiên mời gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến nông - hải sản, thức ăn gia súc, cơ khí phục vụ nông ngư nghiệp, đóng tàu nhằm gia tăng giá trị của nông sản, thủy sản. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện, xử lý nước thải, bến bãi hàng hóa ven rạch Ba Tri, mở ra không gian phát triển của khu vực này. Định hướng đến năm 2030, lấp đầy CCN An Hòa Tây, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bến bãi hàng hóa ven rạch Ba Tri phục vụ CCN Thị trấn - An Đức.

Đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển bền vững kinh tế biển gắn với phát triển du lịch. Xây dựng hạ tầng khu vực biển gắn với phát triển du lịch, xem đây là nhiệm vụ đột phá để thúc đẩy phát triển KT-XH. Hoàn thành Khu dân cư An Thủy, Cảng cá mới và khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền. Triển khai thực hiện các dự án về điện năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, khu đô thị ven biển, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước sạch, bờ kè biển phục vụ phát triển du lịch các xã Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy.

Thực hiện đột phá trong huy động, khai thác các nguồn lực, vận dụng linh hoạt các giải pháp tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Phấn đấu vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm là 29.674 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân 18%/năm, trong đó vốn ngân sách 1.329 tỷ đồng, chiếm 4,48%, tốc độ tăng bình quân 8%/năm. Tập trung xây dựng các công trình trọng điểm nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại IV và loại V. Phấn đấu xây dựng An Thủy thành thị trấn. Đến năm 2030, thị trấn Ba Tri đạt chuẩn đô thị loại III; xây dựng các khu đô thị và khu dân cư vệ tinh như: Khu đô thị Cánh Đồng Bé, Khu đô thị biển An Thủy, Khu đô thị biển Bảo Thuận, Khu dân cư Tân Xuân, Khu dân cư An Đức.

Xây dựng bờ kè và công viên ven rạch Ba Tri, xây dựng bến bãi hàng hóa rạch Ba Tri phục vụ CCN Thị trấn - An Đức. Nâng cấp quốc lộ 57C, xây dựng mới Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, xây dựng Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, đề nghị trên đầu tư xây dựng nâng cấp Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, mở rộng, nâng cấp Khu di tích quốc gia Võ Trường Toản.

“Nghị quyết về phát triển kinh tế hướng Đông thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh, đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh. Đó cũng là ý chí và khát vọng vươn lên của Ba Tri. Ý chí và khát vọng đó phải được quán triệt, lan tỏa trở thành tình cảm của mỗi người dân Bến Tre nói chung, Ba Tri nói riêng đối với quê hương, đất nước”, Phó chủ tịch UBND huyện Dương Văn Chương nhấn mạnh.

Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá

Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động về việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển, thực hiện 3 khâu đột phá, cụ thể:

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng: Giá trị sản xuất đạt 7.857 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 17,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng lớn. Hạ tầng cụm công nghiệp được tiếp tục đầu tư, thu hút doanh nghiệp hoạt động sản xuất, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương.

Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững: Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 27.844 tỷ đồng, tốc độ tăng 6,35%. Tổ chức chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác tăng lên. Nhiều mô hình sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn được nhân rộng và phát huy hiệu quả.

 Thủy sản được tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy tốt thế mạnh nuôi trồng và khai thác góp phần nâng cao đời sống người dân vùng biển. Tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt 17.615 tỷ đồng, tốc độ tăng 13,06%; trong đó, nuôi trồng chiếm 29,95%, khai thác chiếm 70,05%. Kết cấu hạ tầng khu vực các xã biển từng bước được đầu tư đồng bộ, giao thông thuận lợi, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế khu vực biển...

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN