Xanh màu tình nguyện

02/07/2018 - 07:06

BDK - 7 giờ 30 sáng, con đường quê Ấp 7, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm đã sôi động tiếng máy trộn bê-tông. 32 chiến sĩ mùa hè xanh (MHX) Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh đang cùng bà con nhân dân địa phương khẩn trương làm việc, tranh thủ lúc trời nắng ráo để nhanh chóng hoàn thành tuyến đường nông thôn dài 740m.

Các chiến sĩ đang đổ vật tư vào máy trộn bê-tông.

Tác phong khoa học, hiệu quả

Tạm đổi vị trí với một chiến sĩ, đội trưởng Phan Tấn Đạt lau vội lớp bụi bám trên gương mặt, giới thiệu với tôi lịch trình làm việc một ngày của đội. Công việc sẽ bắt đầu từ 7 giờ sáng, làm đến suýt soát 11 giờ thì nghỉ trưa, chiều bắt đầu lúc 13 giờ 30, đến 17 giờ thì nghỉ. Mỗi ngày chỉ tiêu của đội phải đổ xong 12 - 14 tấm bê-tông đường chuẩn cấp B, ngang 3,5m, dài 3m, dày 16cm. “Hai tổ máy trộn bê-tông quay liên tục gần 30 phút mới hoàn thành được 1 tấm. Tụi em tranh thủ làm càng nhiều càng tốt để bù cho những hôm trời mưa không làm được”, Đạt nói.

Đạt ở tốp đầu, làm nhiệm vụ điều khiển máy trộn. Ê kíp “đứng máy” gồm 5 - 7 bạn/máy: 1 điều khiển, 4 bạn đổ vật liệu vào máy, các thao tác được chia nhỏ thành “2 tay chuyền” và “2 tay đổ” để đỡ mất sức. Vừa làm vừa kiểm đếm cho đủ công thức vật liệu như tính toán: 1 lần trộn gồm 4 đá, 2 cát, nửa bao xi-măng, 3/4 thùng nước có pha chất kết dính Sika. Đơn vị tính vật liệu là những thùng sơn 18 lít cũ tận dụng lại. Trong 30 phút, 2 máy trộn 30 - 35 lần thì đổ được 1 tấm bê-tông với kích thước đã nêu.

Từ lúc bắt đầu nổ máy cho đến khi đổ xong 1 tấm bê-tông, cả đội hình làm việc liên tục. Để đảm bảo vật liệu sẵn sàng đúng vị trí, số lượng, phía sau ê kíp máy trộn là lực lượng “chạy xô”, xúc cát, đá, bơm nước, chuyển thùng. Cứ thế 2 tổ máy làm việc rập ràng, khẩn trương mà vô cùng hiệu quả. Ở tuyến sau nhưng không kém phần quan trọng là nhóm bơm nước. Việc này do 5 chiến sĩ nữ phụ trách. Dù là con gái nhưng các bạn cũng xông xáo, nhanh nhẹn không kém phần nam nhi. Cùng với đội hình sinh viên, xã đoàn cũng bố trí lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương làm nhiệm vụ đối ứng, xúc cát, đá, vận chuyển vật tư. Còn các chú, các anh lao động hỗ trợ đóng ván, san bê-tông…

“Nhìn tụi nhỏ làm thấy thương lắm, vất vả, nặng nhọc mà không than tiếng nào. Năm nay có MHX về đây, con đường này giờ ngon rồi”, bà Tư Sơn, nhà trên tuyến đường này nhận xét. Nghe tin có chiến sĩ MHX về làm đường nông thôn, bà con nơi đây khấp khởi mừng, họp tổ nhân dân tự quản đã bàn nhau người góp tiền, góp gạo nuôi quân, nhà ai có chỗ ở rộng rãi thì đăng ký cho chiến sĩ ở. Lực lượng chia nhau nghỉ ở 6 hộ gia đình, riêng nhóm nữ ở chung một nhà.

Ấn tượng tốt đẹp

19 tuổi, sinh viên năm nhất, bước ra từ giảng đường đại học, hầu như các em ở đây chưa bao giờ từng làm qua công việc này. “Các bạn phụ trách máy trộn cực lắm, do tiếp xúc với xi-măng nhiều nên bị xi-măng “ăn” tay chân nên đội trưởng phân công thay đổi các bạn sang vị trí khác để đỡ hơn”, Bùi Thanh Huyền, một trong 5 nữ chiến sĩ của đội hình kể lại. Huyền học kỹ thuật hóa học nhưng em đăng ký tham gia đội hình chuyên của Khoa Kỹ thuật xây dựng để được trải nghiệm làm đường giao thông nông thôn.

Các chiến sĩ tình nguyện vận chuyển vật tư.

Trao đổi về việc tuyển chọn sinh viên tham gia chiến dịch MHX, anh Trần Huỳnh Đại Phong, cán bộ Phòng Công tác chính trị - sinh viên, phụ trách giám sát đội hình chuyên Khoa Kỹ thuật xây dựng cho biết, trường có sự tuyển chọn rất kỹ. “Chỉ có các bạn sinh viên học lực trung bình trên 6,5 cùng với điểm rèn luyện tốt và qua vòng phỏng vấn của các thầy cô mới được tham gia chiến dịch”, anh Phong nói. Trước khi đi, các em cũng được tập huấn kỹ càng, được hướng dẫn kỹ thuật làm đường bê-tông, cách sử dụng máy đến vệ sinh sau khi làm việc để bảo vệ sức khỏe. Ban đầu còn lúng túng nhưng chỉ một buổi là các bạn quen với nhịp độ công việc. Vào làm rồi, nếu bạn nào thấy chưa phù hợp sẽ được sắp xếp, bố trí, phân công lại.

Đặc biệt, Trường Đại học Bách Khoa nổi tiếng với kỷ luật rất nghiêm. Ngay sau lễ ra quân chiến dịch MHX tại huyện Chợ Lách ngày 19-6-2018, thầy Võ Tấn Thông - Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên, Phó trưởng ban chỉ đạo Thường trực chiến dịch MHX Trường Đại học Bách Khoa đã có buổi sinh hoạt ngắn với toàn thể lực lượng 800 chiến sĩ của trường trước khi các bạn phân bổ về từng địa bàn đóng quân. Thầy đã nhắc lại những quy định, kỷ luật khi tham gia chiến dịch: đi thưa, về trình, lễ phép với nhân dân, phụ dọn dẹp nhà cửa, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn lao động, an toàn trong sinh hoạt, tuyệt đối không sử dụng xe máy, không tắm sông, kênh, rạch, chỉ huy phụ trách kiểm đếm quân số, báo cáo với cán bộ giám sát hằng ngày…

Tinh thần tình nguyện hăng say, nhiệt tình, tác phong lễ phép của các chiến sĩ đã để lại những tình cảm trong lòng người dân nơi đây. Chỉ mới gần nửa tháng đóng quân làm đường mà bà con đã dành cho các em tình thương mến. Giải lao giữa giờ luôn có bánh trái, khoai củ, những món quà quê đơn sơ mà ngọt ngào tình cảm. Các em nhỏ thì quấn quýt các anh chị MHX không rời. Các bà, các dì của hội phụ nữ ấp bàn nhau luân phiên mượn điểm để nấu ăn ngày hai buổi cho các em, trà đá, nước chanh giải khát luôn không thiếu. Cô Mười Bông - chủ nhà của nhóm 5 bạn nữ nhận xét: “Mấy em ngoan, dễ thương lắm, làm việc cực vậy về cũng biết phụ cô quét tước, dọn dẹp trong nhà. Nghe có sinh viên MHX về giúp bà con mình, nhà cô có chỗ là sẵn sàng cho các em ở”.

Bữa cơm trưa của các chiến sĩ hôm ấy rộn rã tiếng cười. Cơm nước xong thì các em tự giác phân công nhau dọn dẹp, rửa chén. Bước ra sau vườn, nhìn luống rau muống mới hôm qua còn dày, hôm nay đã được cắt để có những đĩa rau sạch tươi xanh cho cả đội khi nãy, Đạt nói: “Em và các bạn quyết tâm làm đường cho nhanh, cho đẹp để bà con đi lại”.

13 giờ 30, công trường đường giao thông Ấp 7, xã Tân Lợi Thạnh tiếp tục nóng lên cùng bầu nhiệt huyết của các chiến sĩ trẻ. Màu áo tình nguyện xanh hơn với những nụ cười và những giọt mồ hôi lấp lánh trong nắng vàng.

Chiến dịch năm nay, Trường Đại học Bách Khoa tập trung toàn bộ lực lượng về tỉnh, dồn quân cho mặt trận huyện Chợ Lách đang xây dựng nông thôn mới, 2 đội được bố trí về xã Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) và Tân Lợi Thạnh (Giồng Trôm), nhiệm vụ chính là trải bê-tông các tuyến đường giao thông nông thôn, hỗ trợ địa phương xây dựng tiêu chí số 2 - giao thông.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN