Xác định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022

28/10/2022 - 05:41

BDK - Từ ngày 10-10 đến 25-12-2022, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 trên địa bàn tỉnh được tiến hành. Kết quả của công tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xem là tiền đề xây dựng các giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội cho năm 2023.

Hộ anh Huỳnh Tuấn Khải (bên phải), ngụ xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre được tiếp cận nguồn vốn vay từ chính sách hỗ trợ để sửa xe chở củi.

Mức chuẩn xác định

Năm nay, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình được xác định như sau: Đối với chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Mức chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Mức chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1,5 - 2,25 triệu đồng. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2 - 3 triệu đồng.

Bên cạnh tiêu chí xác định dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người, các điều tra viên còn xác định dựa trên mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ dân.

Quy trình điều tra, rà soát

Quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia làm 6 bước. Trong đó có một số nội dung cần chú ý.

Bước 1: Công tác chuẩn bị điều tra, rà soát. Ở bước này, đội ngũ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại cơ sở, bao gồm: trưởng ấp/khu phố, điều tra viên là những người có kinh nghiệm về công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, am hiểu đặc điểm của địa phương. Đội ngũ này được tập huấn, hướng dẫn triển khai kế hoạch điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, bộ công cụ và ứng dụng cộng nghệ thông tin (nếu có) cho điều tra viên. MTTQ Việt Nam các cấp được mời chủ trì giám sát việc thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Ở bước 2: Chỉ đạo, tổ chức điều tra. Bước 3: Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ở bước 3, thành phần cuộc họp: Trưởng ấp/khu phố (chủ trì cuộc họp), đại diện Ban Chỉ đạo cấp xã; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể, điều tra viên, đại diện trên 50% hộ gia đình có tên trong danh sách sơ bộ lần 1 và một số hộ gia đình khác; mời đại diện lãnh đạo MTTQ Việt Nam cấp xã tham gia giám sát. Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với hộ gia đình qua rà soát (tập trung vào hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh và hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo). Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50% thì thực hiện rà soát lại theo bước 2.2 (Tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình) và tổ chức họp lấy ý kiến người dân, kết quả hợp dân lần này là kết quả cuối cùng. Kết quả cuộc họp lập thành 2 biên bản (1 bản được lưu tại ấp/khu phố và 1 bản gửi Ban Chỉ đạo cấp xã) có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện hộ dân theo Phụ lục V và danh sách sơ bộ lần 2 theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 07/2021/TT-LĐTBXH.

Bước 4: Niêm yết, thông báo công khai. Bước 5: Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện. Bước 6: Công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng tại buổi triển khai các quy định về công tác điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2022 nhấn mạnh: “Trong quá trình điều tra, rà soát phải đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, trung thực. Kết quả điều tra phải phản ánh đúng thực tế điều kiện của địa phương. Tuyệt đối không được chạy theo thành tích để kéo giảm hộ nghèo. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan của kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN