Xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam: Xây dựng giao thông nông thôn từ khó thành dễ

17/10/2018 - 07:06

BDK - Do điều kiện tự nhiên, không ít người ví von “Phước Hiệp mà thực hiện xong tiêu chí giao thông thì ở huyện Mỏ Cày Nam chẳng còn địa phương nào có thể than khó nữa”. khi Đề án số 3333 của UBND tỉnh triển khai, người dân xã Phước Hiệp hết sức vui mừng do từ lâu xã này đã chuẩn bị nền hạ nhiều tuyến đường.

Hầu hết các tuyến đường ở xã Phước Hiệp khi làm nền hạ rất tốn kém do hai bên đường thường là kênh, rạch và mương lá.

Tập trung cho xã khó khăn

Vì sao huyện Mỏ Cày Nam lại chọn xã Phước Hiệp làm điểm phát động xây dựng giao thông nông thôn (GTNT)? Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Bí thư Huyện ủy nói: “Chúng tôi chọn Phước Hiệp không phải do xã có điều kiện tốt mà là địa bàn rất khó khăn về hạ tầng, kênh mương chằng chịt, ở Phước Hiệp có khoảng 1.700 hộ dân, nhưng hết 1.600 hộ là gia đình chính sách. Với huyện, Phước Hiệp là một trong những địa bàn được quan tâm đặc biệt (một trong ba xã Đồng khởi năm xưa là Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp), mà nay Định Thủy đã là xã nông thôn mới”.

Theo báo cáo của xã Phước Hiệp, dư luận người dân cho rằng địa hình ở xã có nhiều kênh, mương, hầu hết các tuyến đường nằm trong quy hoạch xây dựng GTNT đều phải lấp mương mới xây dựng được, do đó, kinh phí thực hiện nền hạ cao hơn kinh phí bê-tông mặt đường, trong khi giá nông sản không ổn định mà giá vật tư thì tăng cao.

Về quan điểm của huyện trong triển khai đề án xây dựng GTNT, bà Nhung nói: Chúng tôi đi sâu tập trung vào những vấn đề khó, ban đầu là lấy số đông để thực hiện dân chủ, đồng thời tuyên truyền, vận động những người chưa hiểu về Đề án số 3333 cùng đồng thuận thực hiện. Phương châm của huyện là “Dễ làm trước, khó làm sau”, chỉ có công trình hiện hữu mới kích thích người dân thực hiện, làm theo (PV), từ đó phong trào sẽ lan tỏa nhanh. Huyện cũng đề cao việc phát huy tối đa ngoại lực, gồm đóng góp của nhà hảo tâm ngoài xã, đồng thời các trưởng, phó ngành huyện được phân công hỗ trợ ấp cũng phải vào cuộc trong thực hiện Đề án số 3333.

Dân đồng tình cao

Sự ra đời của Đề án số 3333 đối với Phước Hiệp là tin vui, bởi xã đã có sẵn nền hạ 4 tuyến đường với tổng chiều dài 3.150m. Đối với người dân xã Phước Hiệp, nhu cầu xây dựng GTNT là hết sức cần thiết trong việc vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Mặc dù Phước Hiệp chưa vào danh sách được tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhưng người dân xã này đã cùng nhau góp tiền làm nền hạ nhiều tuyến đường. Chính vì khát khao có được nhiều tuyến đường GTNT đạt chuẩn, rộng rãi dễ đi lại mà hộ nghèo ở Phước Hiệp sẵn sàng đóng góp 450 ngàn đồng/1 công đất, hộ cận nghèo đóng 630 ngàn đồng/1 công đất, hộ bình thường đóng góp 900 ngàn đồng/1 công đất để làm nền hạ. Ông Phạm Văn Giếng - Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp nói: Người dân trong xã đồng tình hưởng ứng xây dựng GTNT, họ thậm chí còn tự mang tiền tới ban vận động của ấp để đóng thay vì đợi ban này tới thu. Những năm được giá nông sản, rất nhiều hộ dân ở xã đã tình nguyện đóng góp tiền bơm cát làm sẵn nền hạ. 

Vào giữa năm 2018, người dân ấp An Khánh 2 đã hoàn thành nền hạ tuyến đường ĐA.09 (chiều dài 1.400m, chỉ vận động làm trước 590m) với tổng số tiền 600 triệu đồng. Trước kia tuyến đường này mặt đường chỉ rộng 1m, được bê-tông nhưng xuống cấp, hiện trạng hai bên là mương lá. Bí thư Chi bộ ấp An Khánh 2 Nguyễn Văn Thì nói: “142 hộ ở khu vực có tuyến đường ĐA.09 đi qua đã đóng góp mỗi hộ 850 ngàn đồng/1 công đất để thuê ko-be san lấp nền hạ, đóng cừ, bơm cát. Hộ ông Nguyễn Văn Thới đã tự nguyện đóng góp và kêu gọi con cháu hỗ trợ lên đến 180 triệu đồng; hộ ông Từ Anh Tuấn đóng góp 21 triệu đồng để nâng cao mặt đường và mở rộng nền đường ra 4m”. Ngoài ra, xã còn 3 tuyến ĐC của Tân Phú 2, Tân Quới 1 và Tân Quới 2 cũng đã xong nền hạ từ vài năm trước.

Việc thực hiện Đề án số 3333 ở huyện Mỏ Cày Nam được người đứng đầu Đảng bộ huyện cho là rất quan trọng, bởi đó là tiền đề để thu hút nhân dân đóng góp nhiều hơn trong xây dựng GTNT sau năm 2020. “Giao thông tốt cùng với vận hành các mô hình phát triển kinh tế, liên kết kinh tế hợp tác có hiệu quả trong dân là định hướng phát triển đi lên của kinh tế nông nghiệp huyện Mỏ Cày Nam trong thời gian tới” - Bí thư huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung nhấn mạnh.

Dự kiến ngày 18-10-2018, huyện Mỏ Cày Nam trao 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ Phước Hiệp xây dựng mặt đường GTNT trên nền hạ đã có sẵn do người dân đóng góp. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung, nguồn vốn này được xem là chất xúc tác mang tính thời điểm nhưng là yếu tố quyết định để tạo thành sự lan tỏa, thi đua xây dựng GTNT giữa các ấp trong xã Phước Hiệp và có thể rộng ra giữa các xã trong huyện.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN