Hộ anh Trần Văn Tràng - Tổ nhân dân tự quản số 13, ấp Phú Mỹ được hỗ trợ vốn mua ve chai và thoát nghèo bền vững.
Sâu sát từng hộ nghèo
Anh Trần Thế Sơn cho biết, xã Phú Túc tiếp cận Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trễ hơn 1 năm so với các địa phương khác. Qua sàng lọc, đánh giá và bình xét, 66 hộ tham gia Đề án đều có công lao động nhưng ít đất và thiếu vốn sản xuất. Thực hiện phương châm “Cùng suy nghĩ, cùng tính toán, cùng làm” với người nghèo, BCĐ xã đã phân công Mặt trận và các đoàn thể vào cuộc, hỗ trợ, quản lý và theo dõi giúp đỡ, động viên từng đối tượng, hội viên mình quản lý, như Hội Phụ nữ theo dõi 27 hộ, Hội Nông dân 26 hộ, Hội Cựu chiến binh 2 hộ, Đoàn Thanh niên 10 hộ, MTTQ Việt Nam xã 1 hộ.
Theo đó, 66 hộ được BCĐ xã phân từng năm thực hiện - năm 2016 có 3 hộ, năm 2017 có 23 hộ, năm 2018 có 48 hộ và năm 2019 - 2020 là 37 hộ. Xây dựng các mô hình sinh kế dựa trên cơ sở ý thích, mong muốn và lựa chọn của người nghèo như mô hình chăn nuôi bò, dê, trồng trọt, mua bán nhỏ…
Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận và các đoàn thể cùng chung tay chăm lo cho người nghèo trên địa bàn, chỉ trong giai đoạn 2017 - 2019, có 53 hộ tham gia Đề án đã thoát nghèo và không tái nghèo bằng các mô hình hỗ trợ về chăn nuôi, trồng trọt và mua bán nhỏ. “Các mô hình hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo mua bán nhỏ đã thật sự mang lại hiệu quả, giúp cho hộ tham gia Đề án thoát nghèo bền vững hơn” - anh Trần Thế Sơn cho biết.
Tập trung 13 hộ cuối chu kỳ
Đây là những hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Đề án như về bảo hiểm xã hội, về vay vốn và xây dựng mô hình kinh tế, nhà ở, hố xí hợp vệ sinh, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức (hỗ trợ đầu thu sóng truyền hình)… BCĐ xã lưu ý ban chỉ đạo giảm nghèo các ấp, các đảng ủy viên phụ trách ấp, tổ nhân dân quản thường xuyên tuyên truyền, lồng ghép về ý nghĩa, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao ý thức và tham gia của người nghèo. Hiện nay, các mô hình kinh tế hỗ trợ cho 13 hộ nghèo, hộ cận nghèo này qua rà soát, theo dõi và đánh giá của Mặt trận và các đoàn thể xã, các mô hình kinh tế có sự phát triển rất tốt, dự kiến cuối chu kỳ của Đề án, 13 hộ này sẽ thoát nghèo bền vững.
Ngoài việc hỗ trợ vốn vay, xây dựng các mô hình kinh tế giúp đỡ cho người nghèo tham gia Đề án, các chính sách hỗ trợ đi kèm theo luôn được BCĐ xã thực hiện rất tốt. Cụ thể như cho 1 hộ vay vốn hỗ trợ sinh viên, 7 hộ vay để cải thiện nước sạch vệ sinh môi trường, 5 hộ xây dựng hồ chứa nước, 11 hộ xây dựng nhà tình thương, 6 hộ xây dựng hố xí tự hoại…
Bên cạnh đó, BCĐ xã còn tổ chức tư vấn, giới thiệu và đưa 5 con em hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài (như Hàn Quốc, Nhật Bản); tổ chức hỗ trợ Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo giúp người nghèo tận dụng tối đa diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, từng bước hình thành nhóm hộ gia đình những người nghèo có tâm huyết, chí thú làm ăn, có nguyện vọng vươn lên, biết và mong muốn thoát nghèo bền vững.
“Chỉ có chí thú làm ăn, muốn thoát nghèo và sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của cán bộ được phân công, theo dõi thì người nghèo sẽ sớm thoát nghèo. Qua theo dõi giai đoạn của Đề án, chúng tôi nhận thấy, người nghèo luôn có ý chí thoát nghèo nếu chúng ta kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ họ, nhất là việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, truyền thông và vốn vay” - anh Trần Thế Sơn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thành Lập