WHO nói về cơ chế gây huyết khối trong não do vaccine AstraZeneca

22/03/2021 - 06:32

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không thấy có mối liên hệ nguyên nhân-kết quả trong các trường hợp gặp biến chứng huyết khối não sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Các kháng thể sản sinh từ việc tiêm vaccine có thể kích hoạt các tiểu cầu và kích thích sự hình thành các cục máu đông. Ảnh: Reuters

Mới đây, các nhà khoa học Đức phát hiện rằng việc sử dụng vaccine AstraZeneca có khả năng sản sinh các kháng thể mà sau đó kích thích sự hình thành cục máu đông trong những trường hợp “hiếm gặp”. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không thấy có mối liên hệ nguyên nhân-kết quả trong các trường hợp này.

Theo kênh RT, một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Greifswald (Đức) đã tìm ra cơ chế có thể dẫn đến sự phát triển của huyết khối tại xoang tĩnh mạch não ở những bệnh nhân trước đó được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập 6 mẫu máu của những người gặp tình trạng tụ huyết khối ở não sau khi được tiêm vaccine. Các mẫu này do Viện Paul Ehrlich - cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt và giám sát tất cả các loại vaccine ở Đức – cung cấp.

Đài truyền hình NDT đưa tin sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu của Greifswald phát hiện phản ứng miễn dịch với vaccine có thể liên quan đến việc hình thành các kháng thể khi một cơ thể cần chữa lành vết thương thông qua quá trình đông máu.

Các kháng thể này sau đó kích hoạt các tiểu cầu và có thể kích thích sự hình thành các cục máu đông, đặc biệt là trong các xoang tĩnh mạch của não.

Mặc dù kết luận của nhóm nghiên cứu vẫn chưa được công bố trên bất kỳ tạp chí khoa học nào song đã được Hiệp hội nghiên cứu về huyết khối và cầm máu của Đức (GTH) – tổ chức ban hành hướng dẫn cho bệnh nhân tiêm vaccine - chia sẻ.

Tuyên bố của hiệp hội cho biết nhóm Greifswald đã tìm ra một "cơ chế bệnh lý nghiêm trọng” nhưng vẫn lưu ý rằng biến chứng như trên là "rất hiếm xảy ra". Hiệp hội cũng không loại trừ khả năng các huyết khối xuất hiện ở các bệnh nhân tiêm vaccine AstraZeneca được kích hoạt bởi “các nguyên nhân khác”.

GTH cho biết họ đã ghi nhận ít nhất 13 trường hợp gặp biến chứng huyết khối xoang hoặc tĩnh mạch não ở những người được tiêm vaccine AstraZeneca tại Đức, bao gồm 12 phụ nữ và một nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 63. 

Nhóm nghiên cứu Greifswald cũng đề xuất một phương pháp điều trị cho những người bị huyết khối sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, nó chỉ có thể được áp dụng sau khi cục máu đông xuất hiện và không thể được áp dụng để phòng ngừa.

Theo hướng dẫn mới nhất của GTH, hiệp hội khuyến cáo tất cả người bị đau đầu liên tục, chóng mặt hoặc suy giảm thị lực hơn 3 ngày sau khi tiêm chủng cần đến cơ sở y tế kiểm tra chuyên sâu để giảm bớt nguy cơ hình thành huyết khối và nhận được hỗ trợ y tế kịp thời.

Thông tin về huyết khối được đưa ra khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đam bảo sự an toàn của vaccine AstraZeneca. Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn vaccine của WHO đã xem xét dữ liệu từ châu Âu, Vương quốc Anh, Ấn Độ cũng như cơ sở dữ liệu toàn cầu và cho biết họ không tìm thấy “bất kỳ sự gia tăng tổng thể nào về tình trạng đông máu” liên quan đến vaccine ngừa COVID-19.

WHO cũng tuyên bố không “chắc chắn” khi quy nguyên nhân gây ra “các biến cố huyết khối tắc mạch hiếm và nhất định” như huyết khối xoang tĩnh mạch não” là do tiêm chủng. “Mối quan hệ nguyên nhân-kết quả giữa những diễn biến vẫn chưa được xác định vào thời điểm này”, tổ chức nhấn mạnh.

Các nhà khoa học Đức không phải là những người đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa vaccine AstraZeneca và triệu chứng huyết khối. Trước đó, các chuyên gia Na Uy cũng có các kết luận tương tự. Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) một lần nữa cho rằng loại thuốc này an toàn và hiệu quả sau khi xem xét tổng thế trong một tuần.

Quyết định này đã khiến một số quốc gia châu Âu trước đó đã tạm dừng việc sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại về nguy cơ sức khỏe tiếp tục chương trình tiêm chủng. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 19-3 khẳng định bà sẽ tiêm loại vaccine này.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN