Xây dựng và phát triển con người Bến Tre, bài 1:

Vun đắp truyền thống hiếu học xứ Dừa

21/09/2020 - 06:52

BDK - Ba dải cù lao Bến Tre với điều kiện tự nhiên trù phú, đất đai màu mỡ. Đây cũng là nơi sinh ra, lớn lên và yên nghỉ của những con người ưu tú của quê hương, đất nước như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ lục tỉnh Phan Thanh Giản, nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhà giáo Võ Trường Toản… Phát huy truyền thống hiếu học xứ Dừa trong giai đoạn mới hôm nay, những thế hệ trẻ không ngừng phấn đấu, say mê học tập, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Bến Tre. Ảnh: P. Tuyết

Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh với góc độ là người có nhiều nghiên cứu về lịch sử văn hóa Bến Tre từng nhận định, Bến Tre là mảnh đất rất đặc biệt, vì đã có rất nhiều những tấm gương, những con người kiệt xuất, anh dũng, nhất là nổi tiếng với tinh thần hiếu học. Do đó, tính cách của người Bến Tre có sự ảnh hưởng sâu sắc truyền thống anh dũng, kiên cường, tinh thần tự lực tự cường trong mọi hoàn cảnh đã được đúc kết, truyền giữ từ thế hệ xưa đến nay.

“Vác giạ đi vay chữ”

Mới bước vào đầu năm học 2020-2021 ít ngày, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ Hội Khuyến học huyện Ba Tri tìm đến gia đình chú Cao Văn Bạo, ở ấp Giồng Nhựt, xã An Hiệp để nghe câu chuyện về một trong những “Gia đình học tập” tiêu biểu của huyện Ba Tri - vùng đất được mệnh danh là “đất học”.

Ngày đó, chuyện đi học của các con đối với gia đình chú Bạo là cả một chặng đường đầy gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào. Chú Bạo công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự xã, một mình vợ chú ở nhà phải nuôi vịt đẻ để cho con ăn học. Mỗi ngày lụm được trứng vịt là “mừng húm” vì biết ngày đó có tiền cho con. Kinh tế khó khăn, có lúc vợ chú Bạo phải đi vay mượn tiền hàng xóm để cho con đến trường có con chữ. Không ít người còn cười cợt, trêu rằng: “Người ta vác giạ đi vay lúa chứ ai vác giạ đi vay chữ như ông”. Ấy thế, dù khó khăn đến đâu, vợ chồng chú Bạo vẫn kiên định mục tiêu, các con vâng lời ba mẹ, động viên nhau cùng học tốt.

Nhờ trọng việc học nên các con của chú Bạo được mở mang tri thức, nay đã có công ăn việc làm ổn định, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 5 người con của chú Bạo đều tốt nghiệp đại học, có người học lên thạc sĩ. Trong số đó, có người là cán bộ công tác tại các cơ quan trong và ngoài tỉnh, góp công sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Trong quá trình công tác, những người con của chú Bạo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và luôn hoàn thành nhiệm vụ, được các cấp, các ngành khen thưởng.

Dòng họ hiếu học

Không chỉ có các “Gia đình hiếu học” được công nhận, Ba Tri còn có nhiều “Dòng họ hiếu học”. Điển hình như dòng họ Đoàn ở xã Tân Hưng. Dòng họ Đoàn là dòng họ có truyền thống cách mạng, có 2 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 15 liệt sĩ, 38 thương bệnh binh, 100 con cháu tham gia công tác các cấp, doanh nhân, 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 47 cử nhân đại học, cao đẳng… Theo thống kê của dòng họ Đoàn ở Tân Hưng, đại bộ phận người con trong dòng họ đều có ý thức trong việc học tập, nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ, vận dụng vào đời sống, vị trí việc làm, sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Đoàn Hoàng Hải tự hào truyền thống học tập của dòng họ Đoàn ở xã Tân Hưng, huyện Ba Tri. Ảnh: Phan Hân

Ông Đoàn Hoàng Hải - thế hệ thứ 6 của dòng họ Đoàn cho biết, sự ham học và có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu. Nhưng quan trọng nhất là sự kế tục truyền thống, đoàn kết của họ tộc. Qua 9 đời, các chi tộc luôn lấy đạo nghĩa, học hành làm trọng.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Ba Tri Nguyễn Thanh Hồng, Ba Tri được mệnh danh là “đất hiếu học” có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân gắn với thân thế các danh nhân lịch sử: cụ Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu. Cụ Nguyễn Đình Chiểu có gần 26 năm sinh sống và bốc thuốc tại mảnh đất này. Cụ đã có sức ảnh hưởng lớn đến truyền thống hiếu học của huyện. Khi ấy, cụ ngoài việc bốc thuốc cứu người, cụ còn dạy chữ, dạy đạo đức cho người dân nơi đây. Khi cụ mất, người dân tiếc thương vô hạn, nguyên cánh đồng xã An Đức hồi ấy khăn tang trắng cả cánh đồng.

Hồi trước, ngoài cụ Nguyễn Đình Chiểu thì học trò của cụ mở lớp dạy chữ rất nhiều. Ngày xưa, đa số người dân Ba Tri biết viết chữ Nho. Mặt khác, người dân Ba Tri phần lớn là những người ở miền Trung vào, không ít những hiền tài bị lưu xứ ở chế độ phong kiến, bản thân họ luôn ý thức và nền nếp học tập. Trong quá trình sinh sống, nhờ những người thầy đồ đặt chân và gắn bó cuộc đời ở lại đây nên người dân cũng có điều kiện học tập hơn so với các nơi khác.

 “Trong chiến tranh, người dân Ba Tri vừa kháng chiến, vừa học, duy trì được truyền thống hiếu học của ông cha cho đến ngày nay. Đặc biệt, sau giải phóng, cơ sở vật chất bị chiến tranh tàn phá, học sinh lúc bấy giờ tăng đột biến, không có trường để học. Người dân mượn đình, chùa, cưa cây đóng bàn, ghế để tạo điều kiện con em học được con chữ. Từ khó khăn đó đã hun đúc ý chí học tập của bao thế hệ học sinh nơi đây”, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết.

Cuộc gặp gỡ các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học ngay tại Ba Tri giống như những lát cắt cho thấy bề dày lịch sử của đất và người Bến Tre. Tài năng và ý thức tự học, ý chí vượt khó học tập đã được tiền nhân ươm mầm nơi vùng đất này. Để từ đây, nở hoa thơm cho đất nước biết bao thế hệ người tài, chung sức xây dựng quê hương.

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 311 ngàn gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, tỷ lệ 87,35% so với tổng số hộ gia đình. Năm 2019, có 91 đơn vị đăng ký đơn vị học tập và công nhận 64 đơn vị. Có 14 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu 5 năm liền tiêu biểu; 41 đơn vị được công nhận 2 năm liền (9 cơ quan, 32 trường THPT).

Việc xây dựng “Đơn vị học tập”, “Gia đình học tập” góp phần thúc đẩy, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chất lượng phục vụ đất nước, xã hội ngày càng tốt hơn.

A. Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN