Xây dựng hạnh phúc gia đình, bài 2:

Vun đắp hạnh phúc từ sự quan tâm

18/03/2020 - 07:22

BDK - Dù quan niệm của nhiều bạn trẻ về tình yêu và cuộc sống có thể khác nhau nhưng hạnh phúc gia đình vẫn phải là sự chung tay từ tất cả các thành viên, nhất là những người trụ cột, bắt đầu từ sự quan tâm lẫn nhau.

Các thành viên trong gia đình quan tâm nhau để thấu hiểu và sẻ chia. Ảnh: Ánh Nguyệt

Quan tâm chăm sóc nhau

Nhiều năm qua, gia đình chị Võ Thị Mỹ Hằng ở ấp Kênh Gãy, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc luôn mẫu mực, hạnh phúc, được mọi người yêu quý, biểu dương. Kết hôn đã ngót 30 năm, vợ chồng chị vẫn yêu thương, nồng ấm. “Gia đình chị Hằng là một trong 15 cặp vợ chồng hạnh phúc tiêu biểu của địa phương. Hai vợ chồng làm nghề cây giống, họ luôn sát cánh cùng nhau”, chị Dương Thị Đẹp - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc ấp Kênh Gãy cho hay.

Khi chúng tôi đến thăm gia đình chị Hằng trong ngày tháng 3 nắng hạn, nước mặn gay gắt, chị vừa hoàn tất công việc thường nhật. Chồng chị vừa đi xin nước ngọt về tưới cây, sẵn “kéo thêm vài thùng để dành cho vợ tắm”. Chia sẻ với chúng tôi về anh nhà, chị Hằng không giấu được ánh mắt hạnh phúc và những nụ cười giòn tan, minh chứng cụ thể cho sự thoải mái, hạnh phúc trong ngôi nhà. Hành động “lấy nước ngọt cho vợ” của chồng chị Hằng làm chúng tôi cảm nhận đầy đủ sự yêu thương, quan tâm của anh dành cho chị. Sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình cần được thể hiện qua những việc làm quá đỗi bình thường.

Ông Lê Ngọc Sơn - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc xã Sơn Định, huyện Chợ Lách cho biết, sự quan tâm trong gia đình, trước hết là các thành viên thường xuyên chia sẻ với nhau các vấn đề trong cuộc sống, quan tâm về cả vật chất và tinh thần. Có nhiều người cho rằng, sự quan tâm cần được thể hiện một cách khéo léo và có chừng mực, để quan tâm dựa trên sự tôn trọng, chăm sóc nhau giữa các thành viên trong nhà. Theo chị Nguyễn Thị Kim Ánh ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, sự quan tâm cần thiết ở đây là quan tâm đến sinh hoạt của chồng con, nếp sống trong gia đình, bạn bè của con, giờ giấc thế nào, đi làm ra sao… là những điều mình cần phải biết. Nhưng biết để hiểu và chia sẻ chứ không phải để quản thúc, hay áp đặt. điều gì mình không vừa ý thì mình phải trao đổi, lắng nghe nhau, khó khăn thì chia sẻ với nhau.

Tôn trọng và bình đẳng

Khi được hỏi về bí quyết giữ vững hạnh phúc gia đình, chị Hằng cho hay, để làm được điều đó, bản thân chị luôn yêu thương, tôn trọng, hòa nhã với chồng. Riêng chồng chị chia sẻ, anh sẵn sàng quán xuyến việc nhà thay chị. “Trong hôn nhân, điểm chung của vợ chồng là chăm lo con cái, nên khi giải quyết các mâu thuẫn chúng tôi nghĩ đến là các con trước tiên. Làm sao để con cái thấy tự hào về gia đình”, chị Hằng chia sẻ.

Theo chị Hằng, “Chén trong sóng còn khua” thì bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng có những lục đục. Điều quan trọng là khi đó, vợ chồng có biết giữ hòa khí, xử lý tình huống êm thắm hay không. Để tạo dựng được một nếp nhà tốt, bền vững đòi hỏi người vợ, người chồng phải hiểu tính nết của nhau, hơn hết là sự quan tâm và chia sẻ đúng lúc. Khi có những bất đồng, vợ chồng chị Hằng bình tĩnh, giảm cái tôi cá nhân, lắng nghe nhau rồi cùng tháo gỡ. “Chúng tôi ít khi lớn tiếng cãi vã nhau, mỗi lúc thấy bất đồng quan điểm anh ấy thường hay tránh mặt nhau để cả hai bình tĩnh lại. Sau đó suy nghĩ và phân tích ý kiến của từng người rồi đi đến thống nhất”, chị Hằng tâm sự. Thực tế, 30 năm về chung một nhà, vợ chồng chị Hằng luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau. Nhờ đó, gia đình anh chị luôn tràn ngập tiếng cười, sống chan hòa, mẫu mực ở xóm làng.

Sự quan tâm được xem là điểm khởi đầu để đắp xây hạnh phúc thì tôn trọng và bình đẳng chính là yếu tố cần thiết để quan tâm “phát triển” đúng hướng. Quan tâm cần được xây dựng trên cơ sở tôn trọng nhau và tạo sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. “Tôn trọng là phải biết lắng nghe ý kiến, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các thành viên trong gia đình. Bình đẳng là chan hòa giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và các con, các vấn đề trong gia đình thì trao đổi, bàn bạc, không áp đặt mà phải lắng nghe nhau”, chị Kim Ánh nêu ý kiến.

Chính sự quan tâm, yêu thương và chia ngọt sẻ bùi, ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình sẽ được gìn giữ ấm áp.

Đảm bảo ổn định về kinh tế được xem là yếu tố rất quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Bên cạnh đó, những giá trị đạo đức truyền thống cốt lõi trong gia đình Việt Nam cần được quan tâm đề cao nhiều hơn nữa, cụ thể là sự tôn trọng, quan tâm nhau, thủy chung, yêu thương, gắn bó… Cha mẹ cần chung tay chăm lo, giáo dục con cái, vun đắp tình cảm gia đình, giáo dục cho con về các giá trị đạo đức gia đình.

(Bà Võ Ái Hòa - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh)

Ánh Nguyệt - Thanh Đồng - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN