Rộn ràng chuẩn bị Tết, bài 2

Vui xuân, đón Tết tiết kiệm và sẻ chia

31/01/2024 - 05:03

BDK - Tết là dịp tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nhiều chương trình an sinh xã hội, trao tặng quà Tết được tổ chức nhằm hỗ trợ, chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn cùng đón Tết vui tươi, đủ đầy, ấm áp. Qua đó, động viên, khích lệ tinh thần hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Phiên chợ xuân 0 đồng ở Phường 5, TP. Bến Tre. Ảnh: CTV

Tiết kiệm trong chi tiêu

Giáp Thìn là cái Tết đầu tiên chị Ngọc Mai trải qua cùng gia đình nhỏ của riêng mình. Hai vợ chồng chị Ngọc Mai vừa kết hôn vào cuối năm 2023 nên đều đang lên kế hoạch cho việc đón thành viên mới. Vì vậy, tiết kiệm là tiêu chí hàng đầu mà hai vợ chồng trẻ đặt ra trong chi tiêu năm mới. Chị Ngọc Mai bày tỏ: “Có gia đình rồi nên cũng sẽ khác với khi còn độc thân. Bây giờ, tôi nhận thấy mình có nhiều điều phải lo hơn, không chỉ là việc phụng dưỡng cha mẹ đôi bên mà còn có kế hoạch riêng cho gia đình mình. Cũng thích mua sắm đồ mới, trang hoàng, bày trí Tết nhưng phải tính toán chi tiêu chặt chẽ hơn trước”.

Nhiều người cũng tiết kiệm và chi tiêu dè dặt hơn khi tình hình kinh tế năm 2023 còn nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Tiến Đạt (TP. Bến Tre) cho biết: “Tết là thời điểm có rất nhiều việc phải chi tiêu. Nhưng gia đình tôi phải cân nhắc để việc chi tiêu hợp lý, với điều kiện và hoàn cảnh gia đình mình. Trong bày trí nhà cửa thì ưu tiên lựa chọn phương án tận dụng, tái sử dụng thay vì mua sắm mới. Tôi cho rằng thay vì mình chạy theo hình thức thì quan trọng hơn hết vẫn là sự vun vén ấm cúng trong gia đình. Đó mới chính là giá trị thật sự của ngày Tết”.

Sẻ chia trong cộng đồng

Để có một cái Tết trọn vẹn, mỗi người không chỉ vun vén cho gia đình của mình mà còn chia sẻ với mọi người. Đây cũng là dịp để mọi người có nguồn lực, các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ cùng kết nối, thể hiện tình cảm, tấm lòng “tương thân tương ái” với người dân, với các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng hành, góp sức cùng các địa phương trong thực hiện công tác an sinh xã hội.

Tùy theo kinh tế, điều kiện của mỗi gia đình, mỗi người có cách sẻ chia riêng, gồm: tiền mặt, nhu yếu phẩm, vật phẩm… Hiện nay, nhiều nơi đã xuất hiện việc tổ chức các điểm cho - nhận quần áo đã qua sử dụng. Tại xã Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre), có một điểm cho - nhận quần áo cũ đã qua sử dụng do một người dân lập ra. Anh Nguyễn Quốc - Chủ tiệm đồ “0 đồng” xã Nhơn Thạnh cho biết: Gia đình làm nghề mua ve chai. Nhận thấy có nhiều người cho quần áo cũ nhưng vẫn còn lành lặn, nhiều quần áo cũng còn khá mới, anh quyết định mở điểm cho - nhận quần áo “0 đồng” tại nhà. Điểm cho - nhận quần áo miễn phí của anh đã duy trì hoạt động hơn 2 năm qua. Nhiều loại quần áo cả người lớn và trẻ em, được anh sắp xếp lại cho người đến nhận tự lựa theo ý thích và nhận về. Những ngày cận Tết, số lượng cho - nhận quần áo cũng tăng hơn so với ngày thường.

 “Việc cho - nhận quần áo miễn phí, nhằm kết nối chia sẻ từ những người có quần áo đã qua sử dụng nhưng còn mặc được có thể mang tặng lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện mua quần áo mới thì cũng có thể lựa chọn những bộ quần áo phù hợp để sử dụng cho mình. Tôi thấy việc này cũng rất ý nghĩa nên cố gắng duy trì điểm cho - nhận nho nhỏ này”, anh Quốc bày tỏ.

Cùng tâm tình sẻ chia đó, những năm qua, gia đình chị Hoàng Loan (phường Phú Khương, TP. Bến Tre) đã duy trì việc tặng quà Tết cho bà con, xóm giềng có hoàn cảnh khó khăn. Anh em, họ hàng trong gia đình chị Hoàng Loan cùng chung tay góp sức, mỗi người một ít để tặng các phần gạo, nhu yếu phẩm đến các gia đình neo đơn, khó khăn mà họ biết. Tùy điều kiện, mỗi dịp góp tặng từ 5 - 10 phần. Ngoài ra, gia đình chị còn soạn, góp quần áo còn sử dụng tốt để quyên góp cho các phiên chợ “0 đồng”.

Ngoài những điểm cho nhận quần áo cũ, trong những ngày Tết đến, xuân về, nhiều người cũng đã chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn, hay bà con xóm giềng bằng chính các món bánh mứt tết, thực phẩm do mình làm ra. Bà Trần Thị Ánh, ở thị trấn Mỏ Cày chia sẻ, cứ mỗi năm Tết đến, bà lại làm ít mứt dừa, mắm tép để biếu tặng cho họ hàng và người quen và một số trường hợp khó khăn gần nhà. Theo bà Ánh, dẫu biết rằng, các loại mức, thực phẩm thị trường các chợ, các nơi bày bàn rất nhiều, không khó để mua, nhưng việc chính tay mình làm ra để biếu, tặng ngày Tết thể hiện tấm lòng của mình với họ hàng, người quen. Vì khi xác định làm để biếu, bà đã chăm chút rất kỹ trong từng khâu chế biến để đảm bảo món mứt, thực phẩm mang tặng được thơm ngon, an toàn, chất lượng.

Cùng với các huyện, TP. Bến Tre cũng đã có các hoạt động chăm lo, chia sẻ với các đối tượng nhân dịp Tết đến xuân về. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Bến Tre Võ Tấn Trung thông tin: Hiện thành phố đã và đang vận động các nguồn lực chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn... Thành phố đã xuất 88 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” TP. Bến Tre để tặng 176 suất quà (mỗi phần quà trị giá 500 ngàn đồng) cho các đối tượng như: thăm, tặng quà cho công đoàn viên, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn (20 phần); hỗ trợ các đơn vị xã, phường trên địa bàn TP. Bến Tre tặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của 14 xã, phường (120 suất quà); hộ nghèo TP. Bến Tre di dân lập nghiệp tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk (36 suất)… Bên cạnh đó, chính quyền và các tổ chức đoàn thể TP. Bến Tre cũng đã vận động nhiều nguồn lực để cùng chung tay chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn.

Phan Hân - Thanh Đồng - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN