|
Ngày vỡ hụi, bà P.T.S., 85 tuổi, ấp Bình Xuân, một cụ già neo đơn sống nương tựa vào con cháu cũng đến với hy vọng đòi được số nợ hơn 10 triệu đồng của mình. |
Đã hơn 10 ngày trôi qua, nhưng câu chuyện vỡ hụi hơn 10 tỷ đồng của bà Hồ Thị Kim Liên (thường gọi là Đây), 40 tuổi, ở ấp Bình Xuân, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm vẫn được bàn tán xôn xao, kèm với đó là những lời nói phẫn nộ của những tiểu thương, người dân lao động ở khu vực chợ Bình Long. Phần đông nạn nhân là dân lao động ở ấp Bình Xuân và Bình Long (xã Châu Bình).
Nặng lòng xóm chợ
Bình Long
Theo người dân khu vực chợ Bình Long, phần đông nạn nhân
tham gia các dây hụi của bà Đây là lao động nghèo, với các nghề như bán vé số,
bắp nướng, xôi, quầy rau cải nhỏ trong chợ, có cả những người già neo đơn sống
nhờ trợ cấp của con cháu… Còn một phần là những người khá giả tại địa phương với
những phần hụi lớn mới đủ để gia đình bà Đây “hốt” số tiền hơn 10 tỷ đồng. Ông
N.V.Th., 51 tuổi, ở ấp Bình Long là hộ nghèo đã hơn 10 năm qua. Gần 12 giờ trưa
26-6-2017, bếp của gia đình ông vẫn lạnh ngắt. Ông Th. cho biết, đã hơn tuần
nay vợ ông cũng phải đi làm thuê cho bà con quanh xóm chợ để kiếm tiền nuôi gia
đình. Trong khi căn bệnh lao khiến ông mất sức lao động đã hơn 2 năm qua.
Nói đến dây hụi, ông Th. tựa vai vào cánh cửa ngôi nhà
tình thương được cất nhờ trên đất một người hàng xóm tốt bụng, chua xót nói:
“Bà Đây rủ chơi hụi mỗi tháng đóng 1 triệu đồng nhưng tôi không đủ tiền đóng.
Bà bảo cứ việc chơi nửa phần, còn nửa phần để bà ấy lo. Nghĩ chắc căn bệnh của
mình sẽ tái phát không lâu nữa nên vợ chồng chỉ dám ăn lưng bụng, dành dụm tiền
đóng hụi với hy vọng hốt chót. Đến lần đóng thứ 20 thì hốt chót, ai ngờ bà ấy lại
làm như vậy”.
Ở cái xóm chợ quê này, có cả những người ở cách xa vài chục
cây số đến chợ Bình Long cầu thực và đáng buồn hơn khi biết có người ở quê nhà
vẫn đang phải ở đậu trên đất người khác. Trong số đó, đáng thương hơn cả là mẹ
con bà N.T.N. ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri trong cảnh chờ hốt hụi để trả nợ tiền
thuốc thang cho người nhà bị bệnh ung thư. “Nghĩ tới là tôi hận, không cầm được
nước mắt vì dành dụm từng đồng đóng hụi ròng rã trong thời gian dài. Giờ định
đi kiện nhưng kiếm đâu ra tiền mà đóng án phí cho tòa án” - bà N. xót xa.
Có dấu hiệu lừa đảo
chiếm đoạt tài sản
Chị P.T.Th., tiểu thương ấp Bình Long, nạn nhân bị giật 6
phần hụi tổng số vốn, lời hơn 100 triệu đồng nói với vẻ tức giận: “Mấy tháng
nay, nhiều dây hụi của bà Đây làm chủ có người kêu hơn cả mức tiền góp hàng
tháng. Ví dụ như tiền đóng hụi chết hàng tháng là 2 triệu đồng thì có khi bà
Đây thông báo có người kêu đến 2,1 triệu đồng. Tôi nghi dữ lắm rồi. Nhưng chưa
kịp làm rõ trắng đen thì bà Đây tuyên bố vỡ hụi. Lúc này, chúng tôi mới tá hỏa
khi biết trong danh sách nhiều dây hụi chỗ bà Đây có đến hơn phân nửa không có
người chơi thật. Lừa đảo chứ còn gì nữa”.
Những chủ nợ hụi của bà Đây cho biết họ càng căm giận hơn
bởi trong ngày vỡ hụi, gia đình bà Đây chỉ còn ngôi nhà cấp 4 trống trơ. Các
tài sản là bất động sản của gia đình bà Đây đã “tẩu tán” trước đó, ngay cả cái
nền nhà. Từ ngày vỡ hụi, bà Đây cứ ngồi điềm tĩnh tại nhà, viết sẵn giấy nợ cho
từng người và sẵn sàng nghe chửi. Người bị giật hụi càng bức xúc hơn khi trao
giấy nợ, bà Đây kèm theo tiền “khuyến mãi” theo tỷ lệ cứ 100 ngàn đồng đối với
chủ nợ 5 triệu đồng, 200 ngàn đồng với chủ nợ 10 triệu đồng...
Ông Hồ Thanh Sơn - Phó trưởng Công an xã Châu Bình cho biết,
có đến hơn 270 người là nạn nhân trong các dây hụi của bà Hồ Thị Kim Liên
(Đây). Trong đó phần lớn là người dân trong xã. Tổng số tiền vốn mà các nạn
nhân khai nhận đã đóng cho bà Liên hơn 10 tỷ đồng. Bà Liên là vợ ông Bùi Văn
Phương, công an ấp Bình Xuân.
Ông Huỳnh Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết,
trước đây trên địa bàn xã đã xảy ra nhiều trường hợp vỡ hụi tương tự. Thông qua
các cuộc họp tổ nhân dân tự quản, cũng đã tuyên truyền đến người dân không nên
tham gia các đường dây hụi và các hoạt động tín dụng không minh bạch. Hiện xã
tích cực vận động gia đình bà Liên trả nợ cho bà con. Đến chiều 26-6-2017, xã
Châu Bình đã xác nhận thông tin cho hơn 30 trường hợp để khởi kiện bà Liên ra
Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm. Thế nhưng, đến chiều cùng ngày, thông tin từ
Tòa án huyện này cho biết chỉ mới nhận 12 đơn kiện dân sự đối với bà Hồ Thị Kim
Liên.
Theo một vị thẩm phán đang công tác tại Tòa án nhân dân
huyện Giồng Trôm, đây là vụ án có dấu hiệu hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản. Trường hợp này nguyên đơn nên sớm yêu cầu cơ quan công an điều tra vào
cuộc để kịp thời ngăn chặn.