Việt Nam và Hà Lan nhất trí xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện

09/04/2019 - 21:43

Chiều nay, 9-4-2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã có cuộc gặp gỡ báo chí chung sau hội đàm giữa hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gặp gỡ báo chí chung sau hội đàm giữa hai bên. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte là sự kiện quan trọng, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hà Lan ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, đặc biệt là chuyến thăm lần này của Thủ tướng Hà Lan diễn ra vào đúng ngày 9-4-2019, ngày cách đây 46 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

“Cuộc hội đàm giữa Ngài Thủ tướng Mark Rutte và tôi diễn ra tốt đẹp trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. “Chúng tôi đã trao đổi về tình hình mỗi nước, các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương thời gian tới cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.

Với mong muốn đưa quan hệ hợp tác phát triển sâu rộng hơn nữa, Việt Nam và Hà Lan đã nhất trí xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện. “Chúng tôi tin tưởng với quyết định này, quan hệ tốt đẹp song phương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống và mở rộng sang nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Hai bên nhất trí cho rằng, hợp tác trong 2 khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp và an ninh lương thực có vai trò rất quan trọng trong quan hệ song phương, đã và đang phát huy rất tốt thông qua việc triển khai hiệu quả các chương trình, các dự án cụ thể. Hai bên đã thống nhất các lĩnh vực này tiếp tục là những trụ cột trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực đa dạng khác, nhất là an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, phát triển kinh tế tuần hoàn, đóng tàu hiện đại, các ngành kinh tế biển, phát triển đô thị và xây dựng thành phố thông minh… đang mở ra nhiều triển vọng và cơ hội hợp tác cho hai nước. Hai bên nhất trí giao cho các bộ, ngành hai nước tiếp tục trao đổi kỹ để nghiên cứu, xác định và thống nhất các biện pháp triển khai nhằm phát huy tối đa cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực này.

Hà Lan cũng là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất và là một đối tác thương mại châu Âu hàng đầu của Việt Nam. Hai Thủ tướng đã nhấn mạnh sự cần thiết và ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU cũng như giữa Việt Nam và Hà Lan, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên, đồng thời góp phần vào thúc đẩy tự do thương mại quốc tế.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutte ký bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp tại ĐBSCL. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp hiện có, hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên đoàn cấp cao, đồng thời tăng cường hiệu quả các cơ chế trao đổi hợp tác chuyên ngành đang phát triển đa dạng giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, nâng cao hiệu quả kinh doanh đầu tư.

Hai bên hài lòng nhận thấy hai nước đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế, nhất là khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN, EU. Hai bên nhất trí cần tăng cường hợp tác để cùng đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, tự do hóa thương mại toàn cầu.

Hai Thủ tướng đồng quan điểm ủng hộ những nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, thịnh vượng, cũng như việc tăng cường hợp tác ASEAN-EU nhằm tiến tới mối quan hệ năng động hơn giữa hai khối trong nhiều lĩnh vực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hòa bình ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thủ tướng tin rằng kết quả cuộc hội đàm hôm nay, những văn kiện quan trọng vừa ký kết cũng như trao đổi, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hà Lan tiếp tục phát triển sâu rộng, cùng có lợi, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và toàn thế giới.

Bày tỏ vinh dự trở lại thăm Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte  nhất trí cho rằng, hai nước có mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ, không chỉ ở cấp độ quốc gia mà cả ở cá nhân, giữa ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Mark Rutte bày tỏ vui mừng khi mối quan hệ hữu nghị hiện tại được nâng lên quan hệ Đối tác toàn diện để làm cơ sở thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều hơn nữa giữa hai nước thời gian tới.

Thủ tướng Mark Rutte chia sẻ, mới nhìn qua, có thể thấy Hà Lan và Việt Nam là hai quốc gia khác nhau, nhưng ở góc độ sâu hơn, càng tìm hiểu thì chúng ta càng thấy giữa hai nước có những điểm chung, điểm tương đồng. Cả hai nước đều nằm ở vị trí chiến lược ở hai châu lục. Cả hai nước đều có đồng bằng châu thổ, đều là quốc gia có nền nông nghiệp vững mạnh và có nền nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực xuất khẩu. Đó là nền tảng chung cho mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

“Đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta đi đến thỏa thuận quan hệ Đối tác chiến lược trong các lĩnh vực như thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý nước cũng như Đối tác chiến lược về nông nghiệp và an ninh lương thực”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutte chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị của hai nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Mark Rutte cho biết, tham gia đoàn lần này có 70 doanh nghiệp Hà Lan. Tất cả doanh nghiệp này đều mong muốn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam dưới hình thức kinh doanh mới hoặc hợp tác sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

“Chúng tôi rất vui, trong chuyến thăm lần này, chứng kiến việc khai trương một số nhà máy cũng như thỏa thuận hợp tác trong một số ngành cụ thể, trong đó có ngành dệt may của Việt Nam”, Thủ tướng Mark Rutte nói.

Hà Lan coi trọng việc phát triển bền vững, phát triển bao trùm. Đây là hai mục tiêu song trùng, song hành với nhau. Đồng thời với đó là quản trị tốt cũng như thúc đẩy minh bạch và tính dễ đoán trong môi trường kinh doanh. Làm được điều đó sẽ đem lại lợi ích cũng như cải thiện môi trường kinh doanh ở cả hai nước.

“Việc phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường để các thế hệ tương lai của chúng ta sẽ được hưởng lợi từ những thành quả phát triển như vậy”, Thủ tướng Mark Rutte nêu rõ. Chính phủ hai nước sẽ cùng phối hợp với các bên liên quan trong đó có khu vực tư nhân để đóng góp cho sự thịnh vượng chung, để người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển này.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN