Trong vài năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng tương đối nhanh.
Số liệu từ Cổng Thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho thấy, bắt đầu từ năm 2004, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần đầu tiên đã vượt qua mốc 1 tỷ USD. Từ năm 2007, kim ngạch này đã vượt qua mốc 2 tỷ USD và chỉ sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt qua mốc 3 tỷ USD. Năm 2011, Việt Nam đã thu về từ xuất khẩu gỗ 3,9 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2010.
Theo số liệu thống kê, 10 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gỗ đã đạt 4 tỷ USD, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Về thị trường, chỉ có 9/40 thị trường bị giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, dưới 30%. Còn lại các thị trường đều tăng trưởng dương, tăng đáng kể như Hy Lạp (579,04%), Thái Lan (121,66%), Ả rập Xê út (85,58%).
Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trường đang đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam.
Về nguồn nguyên liệu, tỷ trọng diện tích đất lâm nghiệp tuy có gần 15,4 triệu ha, chiếm 46,4% tổng diện tích cả nước, nhưng tổng diện tích rừng chưa đạt 13,4 triệu ha, mật độ cây lấy gỗ còn thấp. Trong tổng diện thích đất có rừng, rừng tự nhiên chiếm 77%, rừng trồng 23%, rừng mới trồng (chưa đạt tiêu chuẩn rừng và không được tính tỷ lệ che phủ rừng) chiếm gần 2,7%. Do vậy, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam còn khá lớn, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu ngay được, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm gỗ.
Với sản lượng xuất khẩu tăng hàng năm, cùng thị trường xuất khẩu ngày càng rộng mở, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện được đứng thứ sáu trên thế giới, đứng thứ 2 ở Châu Á và đứng đầu Đông Nam Á. Song, để ngành này trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đòi hỏi ngành gỗ phải chủ động được nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp phải mạnh về vốn và sản phẩm phải mang tính cạnh tranh cao.