Về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ

25/01/2021 - 08:26

BDK - Hiện nay, nhiều gia đình đã chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; quan tâm chăm sóc, giáo dục, động viên, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho các thành viên trong gia đình được học tập, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển nhân cách, tâm hồn, thể chất.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ người dân. Ảnh: Hữu Hiệp

Mang tính cấp thiết

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, bước đầu đạt kết quả khả quan. Cụ thể là nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác xây dựng con người phát triển toàn diện gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ và môi trường văn hóa lành mạnh được củng cố, nâng lên. Hệ giá trị con người Bến Tre hình thành cơ bản với các đức tính: yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, tự tin, có khát vọng vươn lên, chăm lo xây dựng gia đình có cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc; có trách nhiệm với xã hội và ý thức chấp hành pháp luật. Đây là cơ sở để nghị quyết xác định hệ giá trị đạo đức con người Bến Tre cần tập trung tiếp tục xây dựng trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, một số giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, của địa phương có nguy cơ bị xói mòn. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thật sự lành mạnh. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên trong cả 3 môi trường: giáo dục, nhà trường và xã hội.

Một bộ phận người dân, nhất là thế hệ trẻ còn tự mãn, ỷ lại, trông chờ, tinh thần trách nhiệm không cao, thiếu chủ động, sáng tạo trong học tập, lao động, rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, vi phạm pháp luật còn nhiều và có xu hướng trẻ hóa. Quan hệ gia đình chưa thật sự bền vững; con cháu chưa hiếu kính với cha mẹ, ông bà, ỷ lại, dựa dẫm, thích đua đòi, hưởng thụ. Tình trạng ly hôn ở những gia đình trẻ có dấu hiệu gia tăng; tình làng nghĩa xóm dễ rạn nứt, mâu thuẫn, khiếu kiện dễ phát sinh; bạo lực, lối sống thờ ơ, vô cảm, làm ăn gian dối... là nguy cơ phá vỡ nền đạo đức xã hội.  

Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Trên cơ sở quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực trạng về phát triển văn hóa, con người, gia đình ở Bến Tre thời gian qua và yêu cầu phát triển trong thời gian tới cần tập trung xây dựng theo hệ giá trị sau: Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, có trí tuệ, thể chất, đạo đức, có văn hóa, nghĩa tình, có năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật. Tập trung vào hệ giá trị: Yêu nước, trung thực, tự trọng, tự tin, trách nhiệm, tự lực, tự cường, tự trọng; hợp tác, nhân ái; khát vọng vươn lên.

Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội; là nơi giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách văn hóa con người; tập trung vào hệ giá trị: Đoàn kết, yêu thương, hiếu học, trách nhiệm; giáo dục con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ; tôn trọng pháp luật; phát triển kinh tế gia đình, ý thức bảo vệ môi trường.

Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, yêu quê hương; lòng tự hào dân tộc, tự hào và phát huy truyền thống cách mạng của địa phương; bồi dưỡng về đạo đức, nhân cách, lối sống trong sạch, lành mạnh. Lối sống tự trọng, tự chủ, năng động, sáng tạo vì mọi người, đề cao trách nhiệm cá nhân và gia đình. Giáo dục đề cao truyền thống nghĩa khí, song song với tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ luật, kỷ cương.

Đề cao vị trí, vai trò trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, quan tâm, yêu thương, chăm sóc nhau về mọi mặt, bình đẳng trong cuộc sống.

Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, kính trên nhường dưới. Giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ; phát huy lối sống mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người, có ý thức tự trọng, tự chủ, nâng cao trách nhiệm cá nhân đối với gia đình và xã hội.

Cấp ủy, người đứng đầu xem trọng xây dựng văn hóa từ trong nội bộ Đảng và bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đề cao tính nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Xây dựng hình mẫu người cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức công vụ trong sáng, phải thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, tận tụy với công việc, giỏi chuyên môn, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; kiên quyết chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống thói thờ ơ, vô cảm đối với công việc, với những vấn đề bức xúc của nhân dân; chống thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong cán bộ, đảng viên.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gia đình. Xem đây là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền. Chỉ tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, gia đình thuộc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực văn hóa, gia đình, thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy đội ngũ làm công tác văn hóa, gia đình từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ở lĩnh vực văn hóa, công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở đủ mạnh để bảo đảm thực hiện công tác tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện. Đưa vào chương trình bồi dưỡng chính trị các chuyên đề về xây dựng đạo đức, lối sống, văn hóa gia đình, trọng tâm là gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gia đình; ưu tiên nguồn lực cho các xã còn nhiều khó khăn. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đảm bảo đáp ứng tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền, cổ động, mang tính hiện đại. Tập trung rà soát cơ chế chính sách, bố trí hợp lý nguồn kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”; phát triển và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình trong phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”.

Lãnh đạo xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Qua kiểm tra, giám sát kịp thời định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Gắn việc khen thưởng, động viên những điển hình, mô hình trong xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ với bình chọn các danh hiệu Công dân Đồng Khởi, Thanh niên Đồng Khởi, Thiếu nhi Đồng Khởi… nhằm động viên các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện.

Lãnh đạo xây dựng mỗi cơ quan, nhà trường, đơn vị, cộng đồng dân cư là một môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, tính tập thể. Xây dựng gia đình là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người; mỗi gia đình thật sự là một tế bào lành mạnh của xã hội.

Hữu Hiệp (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN