Về việc riêng trong di chúc Bác Hồ, việc chung của dân tộc

30/08/2019 - 08:22

Bản di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di chúc là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một văn kiện lịch sử vô giá, mang tầm vóc văn hóa lớn lao - Tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh. Trong Di chúc của Bác, có đoạn viết: “Về việc riêng: suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay, dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đây là những lời căn dặn thiết tha, kết tinh tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chỉ 79 chữ dặn lại việc riêng thống nhất với cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoạn văn là sự tổng kết súc tích, cô đọng công việc cả đời đã làm hết lòng, hết sức, sự tiếc nuối và những lời căn dặn của Bác sau khi qua đời. Đọc và suy tư về việc riêng Di chúc Bác, chúng ta hiểu sâu sắc hơn Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong lễ truy điệu Người vào sáng ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, nhất là đoạn: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Đoạn di chúc chỉ với 79 từ, đã có 4 cụm từ phục vụ, với 3 nội dung phục vụ: Phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đây chính là những điều không phải hối hận của Bác.  Đồng thời, 1 nội dung không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa là điều tiếc nuối của  Bác, do Người phải từ biệt thế giới này. Rõ ràng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân là nguyên lý, lý tưởng của người cộng sản, là công việc thường xuyên ở Bác. Sự tiếc nuối không dành riêng cho bản thân, mà Người dành cho cái bao la của sự nghiệp. Bác thấy tiếc, tiếc cho sức của mình, theo quy luật sinh học, đã cạn nên không thể phục vụ Tổ quốc, cách mạng, nhân dân được nữa.

Với thông điệp: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”, Bác Hồ đã căn dặn việc xây dựng một đời sống văn hóa mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí, mang tính thời đại sâu sắc.

50 năm thực hiện Di chúc của Bác, trong đó nghiên cứu 79 từ - 79 mùa xuân “Về việc riêng…” của Bác, chúng ta không thấy Bác nói về “cá nhân” hay “bản thân”. Bởi vì, suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc chung của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì nước, vì dân cho nên hầu như không có lúc nào nghĩ đến bản thân mình. Hồ Chí Minh - “Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”, nhưng  bất cứ ai cũng có thể hiểu, có thể học và có thể làm theo. Người cán bộ, đảng viên, ở mọi vị trí công tác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lòng ta trong sáng hơn, thật sự là “ công bộc” của dân.

Theo Kế hoạch số 178/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội, lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (2-9-1969 - 2-9-2019) sẽ diễn ra vào ngày 30-8-2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Lễ kỷ niệm nhằm ôn lại và khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc của Di chúc; thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, củng cố, bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra.

PV

 

Dương Văn Chăm - Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN