Ngày 1-6-2020, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1329 về việc công bố thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Sau đây là nội dung cơ bản về thủ tục chứng thực chữ ký (CTCK) trong các giấy tờ, văn bản (áp dụng cho cả trường hợp chứng thực điểm chỉ và trường hợp người yêu cầu chứng thực không thể ký, không thể điểm chỉ được).
Về trình tự thực hiện: Người yêu cầu CTCK (điểm chỉ) không thể ký, không thể điểm chỉ được phải xuất trình các giấy tờ phục vụ việc CTCK. Trong trường hợp người yêu cầu chứng thực không thông thạo tiếng Việt thì phải có người phiên dịch theo quy định pháp luật.
Về cách thức thực hiện: Người có yêu cầu chứng thực nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã, Phòng Tư pháp, Tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan đại diện.
Thành phần hồ sơ: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng. Giấy tờ, văn bản yêu cầu CTCK.
Thời hạn nhận kết quả: Người yêu cầu chứng thực được nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ trong ngày làm việc. Trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực sau 15 giờ thì sẽ được nhận kết quả vào ngày hôm sau (có phiếu hẹn ghi rõ ngày, giờ nhận kết quả).
Về phí: Người có yêu cầu chứng thực tại UBND cấp xã, Phòng Tư pháp, Tổ chức hành nghề công chứng phải trả phí 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được tính là một hoặc nhiều chữ ký trong 1 giấy tờ, văn bản). Trường hợp yêu cầu chứng thực tại cơ quan đại diện thì phải trả phí 10 USD/bản.
Các trường hợp không được CTCK: Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu CTCK không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Người yêu cầu CTCK xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo. Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch; trừ giấy ủy quyền trong các trường hợp giấy ủy quyền: (1) ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền; (2) ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; (3) ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; (4) ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội; hoặc trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
H.Đức