Về thăm xã đảo

25/01/2022 - 18:04

BDK.VN - Ngày 20-4-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 589/QĐ-TTg về việc công nhận xã đảo thuộc tỉnh Bến Tre. Theo đó, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm và xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại là 2 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh được công nhận là xã đảo. Năm 2021, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực phấn đấu cao, Hưng Phong và Tam Hiệp đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Làng nghề truyền thống đan giỏ cọng dừa xã Hưng Phong (Giồng Trôm). Ảnh: Ánh Nguyệt

Khởi sắc Hưng Phong

Đến Hưng Phong, đi trên con đường bê-tông thông thoáng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Hưng Quí Lê Văn Hiển “khoe” với chúng tôi: “Đường xã mình giờ ngon lắm rồi, trước đây tới mùa nước lũ triều cường dâng cao thì chỉ có đi bộ lội bì bõm trong nước”. Đây là đường ĐA 03 bê-tông liên Ấp 2 - 3 (Hưng Phú - Hưng Quí) vừa hoàn thành đầu tháng 12-2021.

Chủ tịch UBND xã Hưng Phong Võ Hoàng Trung phấn khởi: Năm 2021, được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, xã đã phấn đấu hoàn thành một số công trình giao thông nông thôn, văn hóa tại địa phương. Người dân xã rất đồng tình với chủ trương xây dựng nông thôn mới. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức đóng góp của dân bị hạn chế nhưng vẫn đảm bảo.

Năm 2021, Hưng Phong đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa ấp Hưng Quí, tuyến đường ĐA 03 liên ấp Hưng Phú - Hưng Quí dài hơn 1,35km, đường ĐC 04 liên Tổ 9 - 11 ấp Hưng Phú dài hơn 600m; trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng và hiến nhiều đất, hoa màu, trị giá hàng trăm triệu đồng.  Xã cũng tiến hành sửa chữa, dặm vá nhiều đoạn đường bê-tông liên tổ, xóm và xây dựng được 2 cầu bê-tông liên tổ từ nguồn vận động nhân dân đóng góp.

Xã đảo Hưng Phong có diện tích tự nhiên trên 1,27 ngàn héc-ta, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 620ha, trên 5,8 ngàn nhân khẩu. Kinh tế chủ lực của Hưng Phong chủ yếu là cây dừa với diện tích hơn 600ha và trên 245ha đất nuôi thủy sản (cá da trơn). Xã có 1 làng nghề đan giỏ cọng dừa với 7 tổ hợp tác, hơn 70 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 43,43 triệu đồng/người/năm. Theo xã tự đánh giá, Hưng Phong đã đạt 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM).

Ngày 20-10-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2460/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển bền vững xã Hưng Phong thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu chung của đề án nhằm nâng cao sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân, thích ứng BĐKH, phát triển bền vững. Đây là mô hình điển hình phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đề án được chia làm 2 giai đoạn:  2021 - 2025 và 2026 - 2030. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,3 ngàn tỷ đồng từ nhiều nguồn của Trung ương, địa phương, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, kinh phí để xây dựng tuyến đê bao toàn xã hơn 280 tỷ đồng.

Phà chở khách sang xã Tam Hiệp. Ảnh: Thanh Đồng

Tam Hiệp phấn đấu đạt xã nông thôn mới năm 2022

Xã đảo Tam Hiệp có trên 1 ngàn hộ dân với hơn 3,2 ngàn nhân khẩu sinh sống ở 4 ấp. Tam Hiệp có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 570ha. Cây nhãn được trồng tại xã với diện tích hơn 455ha. Đây là giống cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, với nhiều loại nhãn như: xuồng cơm vàng, tiêu da bò, Ido… Tổng sản lượng hàng năm đạt trên 5 ngàn tấn. Nơi đây có hơn 90ha đất trồng dừa, hơn 10ha đất trồng bưởi da xanh, còn lại là đất trồng xen các loại cây trái khác như chanh, tắc, mít…

Tam Hiệp có tuyến đường chính trung tâm xã dài 7,9km, nối liền từ Ấp 1 đến Ấp 4. Ngoài bến phà Tam Hiệp - Phú Thuận, xã có 3 bến đò bố trí ở các ấp với hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện đi đến các nơi khác trong huyện, trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là những yếu tố thuận lợi để Tam Hiệp phát triển du lịch sinh thái vườn. Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Hữu Thọ cho hay: Những năm gần đây, tại xã có một số hộ tự phát mở điểm du lịch sinh thái như Út Trinh, Nam Thái Sơn đã thu hút khá đông du khách. Các điểm du lịch này liên kết với các tour ngoài tỉnh đưa khách về quê tham quan vườn cây ăn trái, vườn lá sâm, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các điểm dịch vụ này rất vắng khách.

Nhà nghỉ tại một cơ sở du lịch sinh thái xã Tam Hiệp. Ảnh: CTV

Gần đây, UBND huyện Bình Đại đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng xã Tam Hiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, huyện xác định Tam Hiệp là nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh và thích hợp để đột phá xây dựng và thu hút đầu tư các mô hình phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch homestay, du lịch trải nghiệm… Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 phát triển du lịch Tam Hiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng của xã; giai đoạn 2025 - 2030, Tam Hiệp là một trong những địa phương có hoạt động du lịch mạnh của huyện và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã…

Tại xã đảo Tam Hiệp, vườn lá sâm của ông Nguyễn Thanh Cường (Ấp 1) có diện tích hơn 5.000m2 thu hút khá nhiều người. Khách tới đây thường ghé các vườn cây ăn trái và tham quan vườn lá sâm, trải nghiệm công việc của người trồng, chăm sóc, vò lá sâm để ăn… Khi biết được huyện chủ trương phát triền du lịch sinh thái tại xã, ông Nguyễn Thanh Cường rất mừng và cho biết sẽ là người đầu tiên nhiệt tình ủng hộ, khi kế hoạch được triển khai thực hiện.

Năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tam Hiệp nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 54,82 triệu đồng/năm. Xã hiện đạt 14/19 tiêu chí xã NTM gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở thương mại hạ tầng nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Xã còn 4 tiêu chí đang tiếp tục thực hiện: giao thông, cơ sở văn hóa, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, quốc phòng và an ninh.

Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: “Huyện quan tâm đầu tư phát triển du lịch tại xã, tạo nhiều thuận lợi để Tam Hiệp phát triển kinh tế. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Tam Hiệp phấn đấu hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn xã NTM trong năm 2022”.

Đức Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN