Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

11/08/2019 - 19:27

Ông Bùi Thanh Hiếu - Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003 với chức năng, nhiệm vụ là sử dụng nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Bến Tre đã thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi, đưa nguồn vốn 2.465 tỷ đồng đến với 134.607 hộ đủ điều kiện vay và có nhu cầu vay, hạn chế được “tín dụng đen”; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đi dần vào ổn định.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án số 4190 của UBND tỉnh, Nghị quyết số 24/2017 của HĐND tỉnh và Chương trình số 10 của Tỉnh ủy. Đây là kết quả của 5 năm tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH” trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành có liên quan xem tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên, là một chủ trương có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và về nông thôn mới.

Đồng thời, UBND tỉnh đã quan tâm hỗ trợ nguồn lực trên 48,6 tỷ đồng để nâng cao năng lực hoạt động Ngân hàng CSXH, cùng chung tay lo cho người nghèo. Trong đó, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cho vay gần 38,6 tỷ đồng, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trên 10 tỷ đồng.

Ngân hàng CSXH và cả hệ thống chính trị cơ sở đã và đang đồng hành cùng người nghèo trên con đường thoát nghèo bền vững, không để họ lại phía sau. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực hiện nhiều sinh kế, dự án, mô hình làm ăn có hiệu quả.

Điều trăn trở hiện nay là quy mô và chất lượng tín dụng CSXH chưa đồng đều giữa các huyện, xã và giữa các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; nguồn vốn cho vay của chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo Trung ương giao còn tồn đọng trong khi hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo vẫn còn khát vốn; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách khác theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Giải quyết được các vấn đề này, Chỉ thị số 40-CT/TW sẽ được thực hiện trọn vẹn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

NHCSXH

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN