BDK - Lịch sử đất nước ta như bản anh hùng ca bất hủ và mảnh đất Bến Tre bao đời nay đã sinh ra những người con anh dũng, kiên cường, góp sức mình bảo vệ Tổ quốc yêu thương. Chiến sĩ Đội Trinh sát vũ trang mật (ký hiệu T30), thuộc Ban An ninh tỉnh (nay là Công an tỉnh) chính là những người con ưu tú của quê hương xứ Dừa, họ đã sống và chiến đấu ngoan cường, tên tuổi và những chiến công còn mãi với thời gian và trong lòng thế hệ con cháu mai sau.
Đội Trinh sát vũ trang mật (ký hiệu T30) nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Tư liệu
Nhiều trận đánh “xuất quỷ, nhập thần”
Sau phong trào Đồng khởi vang dội bốn phương, cục diện cách mạng miền Nam chuyển từ thế bảo toàn lực lượng sang thế chủ động tiến công. Phương thức đấu tranh cũng thay đổi từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang. Năm 1961, Công an Bến Tre với tên gọi là Ban An ninh tỉnh Bến Tre, gồm các bộ phận: an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang và điệp báo.
Từ những năm 1960 cho đến 1975, mặc cho Mỹ - ngụy ra sức đánh phá ác liệt, lực lượng Ban An ninh tỉnh Bến Tre đã sát cánh cùng lực lượng quân sự và nhân dân trong tỉnh vừa chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy hàng trăm cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch vào vùng giải phóng vừa đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc để bảo vệ và nuôi dưỡng phong trào cách mạng, bảo vệ an toàn các cơ quan kháng chiến và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Huyện ủy.
Góp phần làm nên những chiến công đó có phần rất lớn của lực lượng Trinh sát vũ trang mật thuộc Ban An ninh tỉnh.
Sau Tết Mậu Thân 1968, để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và kế hoạch bình định cấp tốc, địch tăng cường Sư đoàn 7, Sư đoàn Bộ binh 9, điều động tàu chiến túc trực trên các cửa sông. Cùng với sự yểm trợ của phi cơ, pháo binh tối đa từ quân Mỹ, bằng chiến thuật “cóc nhảy”, hành quân “không kỵ”, địch liên tục và ra sức càn quét, đánh phá vùng giải phóng, xây dựng đồn bót, dồn dân lập “Ấp chiến lược”, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lực lượng cách mạng ra xa khỏi địa bàn trung tâm.
Ban An ninh tỉnh Bến Tre chủ trương xây dựng lực lượng chiến đấu trong nội ô thị xã Bến Tre để đưa chiến trường vào trong lòng địch. T30 ra đời, với nhiệm vụ đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy trong nội ô thị xã Bến Tre và ám sát các đối tượng chỉ định như: cảnh sát đặc biệt, tình báo, gián điệp, chiêu hồi, bọn ác ôn có nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân.
Qua gần 6 năm chiến đấu, T30 đã bí mật vượt qua hàng rào kiểm soát của địch, tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, “xuất quỷ, nhập thần” vào các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy ngay trong lòng thị xã Bến Tre và các huyện lỵ; chặn đánh và tiêu diệt nhiều đoàn xe quân sự, tàu chiến, máy bay của địch càn quét ra vùng giải phóng; trừng trị nhiều tên mật thám ác ôn sừng sỏ làm cho kẻ thù vô cùng hoang mang, khiếp sợ.
Lập nhiều chiến công vang dội
Góp sức cùng lập nên những chiến công vang dội như những huyền thoại giữa lòng thị xã Bến Tre của đơn vị Trinh sát mật (T30) có hai chị em ruột là Phan Thị Hồng Châu (tức Minh Hiền) và Phan Thị Ngọc Tươi. Sau này, cả hai đồng chí đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày ấy, cũng như nhiều đồng đội khác, các chị chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi nhưng đã dũng cảm đi vào hang ổ kẻ thù, quăng lựu đạn, đặt chất nổ, mìn hẹn giờ, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, chỉ điểm, nhiều tụ điểm ăn chơi, hội họp của sĩ quan quân đội, tình báo Mỹ - ngụy.
Ý chí thép trong lòng người chiến sĩ áo vải quê hương, trong chiến đấu, T30 có 10 đồng chí hy sinh, 26 đồng chí bị địch bắt tù đày, 19 đồng chí bị thương. Khi bị bắt trong tù, mặc dù bị địch tra tấn rất dã man như: tra điện, đâm kim vào 10 đầu ngón tay, đổ xà bông vào miệng... nhưng các chiến sĩ đều thể hiện tinh thần anh dũng, ngoan cường, quyết không khai báo, không đầu hàng địch.
Chiến công xuất sắc của T30 đã góp phần rất lớn cùng lực lượng vũ trang tỉnh đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và bình định cấp tốc của địch tại địa phương. Những trận đánh của T30 làm cho địch bị động phải kéo quân về tập trung bảo vệ trung tâm nội ô thị xã, hạn chế những cuộc hành quân càn quét, đánh phá vùng vành đai và vùng giải phóng của ta; tạo điều kiện cho ta phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở cách mạng trong nhân dân và mở rộng vùng giải phóng.
T30 một tập thể anh hùng, kiên cường, quả cảm, cùng sự tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ to lớn của nhân dân, những chiến sĩ cách mạng đã vượt qua khó khăn, gian khổ, thử thách, hy sinh, góp sức mình cùng toàn quân, toàn dân quyết chiến, quyết thắng giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tất cả đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, tạo nên bản anh hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đất nước hòa bình, chiến tranh đã lùi xa nhưng những chiến công từ tinh thần, ý chí quyết tâm, anh dũng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sáng tạo, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nói chung, T30 nói riêng vẫn còn mãi với thời gian. Với tình cảm và trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng, các thế hệ Công an Bến Tre hôm nay và mai sau xin nguyện khắc ghi và tiếp bước.