Vang danh Ðồng khởi anh hùng

01/08/2018 - 07:31

LTS: Theo kế hoạch, dự kiến ngày 6-8-2018, UBND tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ  tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9; 50 năm Bến Tre được Bộ Chỉ huy Quân giải phóng Miền Nam tặng danh hiệu “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”; đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - Đội quân tóc dài thời kỳ Đồng khởi Bến Tre. Dịp này, Báo Đồng Khởi thực hiện một loạt bài viết ôn lại ý nghĩa lịch sử, truyền thống cách mạng của các sự kiện trọng đại trên, đặc biệt là Đội quân tóc dài huyền thoại năm xưa. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Những nữ chiến sĩ năm xưa trong Đội quân tóc dài của Đồng khởi Bến Tre. Ảnh: ST

Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng, cuối năm 1959, tại nhiều nơi ở Nam Bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề ngụy ở hàng trăm thôn, xã phải tan rã. Đặc biệt, ngày 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhân dân đã nổi dậy Đồng khởi đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Từ đó, làn sóng Đồng khởi như nước vỡ bờ lan ra khắp các tỉnh ở Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ.

Nét độc đáo của Bến Tre không chỉ trong Đồng khởi mà xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh đã phát huy cao độ sức mạnh to lớn của lực lượng chính trị để tiến công địch bằng 3 mũi giáp công. Đảng bộ tỉnh đã tổ chức, giáo dục, huấn luyện nhân dân thành một đạo quân chính trị to lớn, hùng hậu - một đội quân có thể vận dụng đa dạng các phương thức đấu tranh khác nhau: đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và đấu tranh binh vận. Đội quân chính trị đó còn có một binh chủng đặc biệt, đó là “Đội quân tóc dài”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Dưới ánh sáng Nghị quyết số 15, phong trào khởi nghĩa từng phần nổ ra mạnh mẽ. Điều đặc biệt là ngay từ khi nghị quyết chưa được truyền đạt vào miền Nam, song nắm vững tinh thần của Trung ương, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, ở nhiều nơi nhân dân đã vùng dậy khởi nghĩa, giành quyền làm chủ. Khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh vũ trang bùng nổ và ngày càng lan rộng.

Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân tỉnh ngay từ khi mới thành lập (năm 1960), đã cùng nhân dân nổi dậy mở đầu phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam, được tặng 8 chữ vàng: “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”. Từ đó, nhân dân Bến Tre liên tục chiến đấu, vận dụng sáng tạo phương châm kết hợp “hai chân ba mũi”, phát triển phong trào đánh địch bằng vũ khí thô sơ, tự tạo, tìm ra nhiều cách đánh phong phú, lập nhiều thành tích xuất sắc. LLVT nhân dân tỉnh đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10 vạn tên địch (trong đó có hàng ngàn tên Mỹ); diệt, bức rút, bức hàng 1.793 đồn bót, phá hủy 813 xe quân sự; thu 14.517 súng, bắn chìm, bắn cháy 1.269 tàu chiến; bắn rơi, phá hủy 336 máy bay địch. Hỗ trợ đắc lực cho hơn 30 vạn cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng, giành được 29.700 thanh niên khỏi bị bắt lính, buộc địch phải thả 18 ngàn đồng bào khác. Tích cực làm công tác binh vận, làm rã ngũ 81.500 tên, xây dựng cơ sở trong hơn 6 ngàn binh lính địch.

Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, phối hợp chặt chẽ ba mũi giáp công đánh mạnh vào hầu hết các mục tiêu, nhất là vùng Ba Tri - nơi địch bình định lâu năm nhất trong tỉnh, ta đã diệt nhiều mục tiêu, trong đó có phân chi khu Tân Xuân, tạo khí thế cho quần chúng đứng lên giải phóng toàn tỉnh.

Chú trọng xây dựng lực lượng ngày càng trưởng thành, tỉnh đã mở nhiều lớp huấn luyện về chiến thuật và kỹ thuật, về các binh chủng đặc công, công binh, pháo binh, quản lý tốt cơ sở vật chất kỹ thuật, tự sản xuất nhiều vũ khí bằng đầu đạn và bom đạn lép của địch.

Lực lượng vũ trang tỉnh đã được tặng thưởng 4 Huân chương Quân công Giải phóng. Có 6 đơn vị và 8 đồng chí được tuyên dương Anh hùng.

Ngày 6-11-1978, LLVT nhân dân tỉnh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Trong phong trào Đồng khởi, dưới sự lãnh đạo của những thủ lĩnh tài ba, đội quân tóc dài đã lập những chiến công hiển hách, khiến kẻ thù khiếp sợ.  Ảnh tư liệu

“Đội quân tóc dài” ra đời

Phong trào Đồng khởi tại tỉnh bắt đầu bùng nổ ngày 17-1-1960 tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam), sau đó lan rộng ra 47 xã thuộc 6 huyện của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chị em đã cùng đồng bào nổi trống gõ mõ, gây thanh thế, kéo lực lượng vây đồn, đốt bốt, gọi hàng binh sĩ, tước súng để trang bị cho lực lượng quần chúng diệt tề, phá kìm, giải phóng 22 xã, phá ấp chiến lược, giành chính quyền cho 22 xã khác. Chị em đã đấu tranh trực diện đòi địch chấm dứt càn quét, bắn giết nhân dân với những khẩu hiệu sắc bén, đã tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, làm cho địch phải lùi bước trước sức mạnh của đấu tranh quần chúng.

Để đối phó lại âm mưu của địch trong cuộc đấu tranh chống chiến dịch phản công mang tên “Bình trị Kiến Hòa”, bắt đầu từ ngày 25-3-1960, Tỉnh ủy chủ trương tập hợp lực lượng, phát động quần chúng đấu tranh chính trị trực diện với địch, huy động phụ nữ kéo ra quận, tố cáo tội ác của địch, đòi chúng phải rút quân, kết hợp với LLVT bám trụ bên trong lừa thế đánh địch bảo vệ cơ quan lãnh đạo và nhân dân.

Ngày 1-4-1960, nhân dân 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp thực hiện cuộc “tản cư ngược” ra thị trấn Mỏ Cày. Hàng ngàn phụ nữ với hàng chục ghe, thuyền chở theo lợn gà, xoong nồi, chăn màn kéo nhau đi “lánh nạn”. Đến thị trấn, đoàn người đổ vào đường phố, trước các công sở chính quyền Sài Gòn, nằm, ngồi la liệt, tố các lính thủy quân lục chiến cướp bóc, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ. Nhân dân thị trấn Mỏ Cày đổ ra đường, thăm hỏi và tiếp tế cơm nước cho đoàn biểu tình. Ngày hôm sau, 5.000 phụ nữ các xã lân cận kéo lên thị trấn tiếp sức, nâng số người “tản cư ngược” lên tới gần 10.000 người. Đường phố thị trấn Mỏ Cày tắc nghẽn, chợ búa và một số cơ sở sản xuất trong thị trấn ngừng hoạt động. Các trường học, bệnh viện, thánh thất, nhà bưu điện, dinh quận trưởng bị đoàn người vây kín… Nhân dân, lớp đưa đơn, lớp nói miệng yêu cầu quận trưởng cho nhờ nương náu, chờ “quần áo rằn” rút. Chị em còn kích động quận trưởng: lính chủ lực coi thường quân địa phương, chửi cả quận trưởng, tỉnh trưởng. Được tin ấy, viên tỉnh trưởng nổi giận, lên Sài Gòn tố giác lính thủy quân lục chiến sát hại nhân dân, coi thường nhà chức trách địa phương.

Trước lời lẽ có lý có tình của đội quân chính trị hùng hậu, đại diện của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tỉnh trưởng Bến Tre, Quận trưởng Mỏ Cày và viên đại tá chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến ở Sài Gòn phải xuống tận xã điều tra, ghi biên bản thừa nhận tội ác và hứa sẽ rút quân về. Ngày 20-4-1960, địch rút khỏi ba xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp. Như vậy là cuộc phản công quy mô lớn của địch vào “ba xã điểm” Đồng khởi của tỉnh đã thất bại trước tinh thần đấu tranh kiên quyết, khéo léo với sự kết hợp ba mũi chính trị, quân sự và binh vận của nhân dân Mỏ Cày, trong đó có vai trò quan trọng của chị em phụ nữ. Kinh ngạc trước sức mạnh của phụ nữ Bến Tre, địch gọi lực lượng đấu tranh này là “đội quân tóc dài”.

Qua Đồng khởi đợt một, Bến Tre đã thể nghiệm thành công phương pháp kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận đóng góp cho cách mạng miền Nam phương pháp đấu tranh mới trong lãnh đạo khởi nghĩa đồng loạt. Như vậy, từ cuộc “tản cư ngược” của phụ nữ tỉnh, “đội quân tóc dài” đã hình thành. Đó là những cống hiến của tỉnh trong phong trào Đồng khởi, là điển hình về sự kết hợp 3 mũi giáp công.

Từ Đồng khởi ở Bến Tre đã xuất hiện “đội quân tóc dài” - một đội quân đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới, “một đội quân kỳ lạ không súng ống, có mặt ở khắp mọi nơi, ở thành thị cũng như nông thôn, một đội quân mà tin tức của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng vai trò lớn lao trong cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược ngay cả trước khi những người du kích đầu tiên cầm lấy vũ khí.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN