Văn bia tiến sĩ - niềm tự hào của dân tộc

12/03/2010 - 08:22
Bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: S.T

Vừa qua, UNESCO chính thức công bố, công nhận 82 văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội là di sản tư liệu thế giới. Đây là niềm tự hào trí tuệ Việt.

Những di tích ở Kinh thành Thăng Long cổ kính còn lại là những báu vật từ ngàn xưa của các bậc tiền bối trao lại cho đời ta. 82 tấm bia đá ở Văn Miếu ghi khắc tên tuổi các vị tiến sĩ qua các thời phong kiến. Đúng ra, từ năm 1442 bắt đầu khoa Đại Bảo thứ 3 đời Thái Tông nhà Lê đến đời Lê Hiển Tông (1778) vị chi 336 năm, trong ''Đăng khoa lục'' có ghi 116 khoa chính, đáng lẽ ra mỗi khoa có dựng một tấm bia, tất cả là 116 tấm. Năm 1484 triều Lê Thánh Tông mới cho dựng bia của 10 khoa thi tiến sĩ, từ khoa đầu nhà Lê (1442) cho đến khoa thi năm 1484. Đây là 10 tấm bia tiến sĩ đầu tiên của Văn Miếu. Từ đó trở đi các vị vua kế tiếp, sau mỗi khoa thi đều có dựng bia, nhưng qua nhiều cuộc đổi thay của lịch sử, nhiều tấm bia đã bị hủy hoại, hoặc có khoa không dựng bia. Cho đến đầu thời Tây Sơn chỉ còn 83 tấm và hiện nay còn giữ được 82 tấm. Trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các tấm bia đều được khắc trên phiến đá màu xanh, kích thước không đều nhau, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Bia được đặt trên lưng rùa, một trong bốn linh thú LONG - LÂN - QUI - PHỤNG, thể hiện sự tôn trọng hiền tài và trường tồn mãi mãi.

Việc dựng bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám là ý tưởng của vua Lê Thánh Tông, vị vua học rộng tài cao, chuộng thơ văn, luôn coi trọng và chăm lo bồi dưỡng hiền tài cho đất nước. Tấm bia đầu tiên được khởi dựng vào năm 1848 và tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1779.

Song thời nhà Nguyễn, Kinh đô được di dời từ Thăng Long về Phú Xuân (Huế) nên bia tiến sĩ lại được dựng ở Văn Miếu Huế. Ngoài 82 tấm bia ở Văn Miếu Hà Nội, còn có 32 tấm bia ở Văn Miếu Huế. Những tấm bia khắc đá dựng trên lưng rùa đá còn lại đến ngày nay ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ghi tên 1.036 tiến sĩ, 46 trạng nguyên đỗ đạt trong các khoa cử suốt 3 thế kỷ. Trên mỗi tấm bia đều ghi rõ quê quán, danh tính của từng vị đỗ tiến sĩ của từng khoa thi. Ngoài ra còn có thêm một bài ký do chính các đại nho gia đương thời phụ trách biên soạn .

Tấm bia đầu tiên được khắc dựng trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám là văn bia Đại Bảo. Có điều đặc biệt là tấm bia này dựng vào năm 1484 nhưng nội dung của nó lại viết về khoa thi năm 1442, nghĩa là trước đó 42 năm. Trên văn bia Đại Bảo có nêu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài và khích lệ kẻ sĩ: ''Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu ...''.

Trên những tấm văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thế hệ hôm nay còn gặp những tên tuổi các nhà bác học, nhà văn, nhà sử học nổi tiếng như Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Nhậm ... Cũng tại đây, các nhà sử học có thể tìm thấy một cách chính xác quê quán , danh tính của những tên tuổi gắn bó với lịch sử dân tộc. Các nhà địa lý cũng có thể đến đây tra cứu những địa danh cũ có liên quan địa danh hiện tại. Các nhà nghiên cứu triết học có thể tìm thêm chứng cứ về Nho học Việt Nam qua các thời kỳ. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật và các nghệ sĩ tạo hình có thể tìm ra tinh hoa của nghệ thuật dân tộc thông qua hình dạng bia, rùa đá, hoa văn ...

Có thể coi mỗi tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một tác phẩm nghệ thuật giá trị. Ngoài ra, những bài ký khắc trên bia đều là những áng thơ văn không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn phản ánh giá trị tư tưởng của mỗi thời đại.

Minh Đạt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN